VietNam Finance - 2025/04/08 16:54:45
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng việc giao dịch tài sản số hứa hẹn sẽ mở ra một kênh huy động vốn mới cho doanh nghiệp bên cạnh tài sản tài chính truyền thống.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra ngày 6/4, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung đã thông tin một số vấn đề liên quan đến việc thí điểm giao dịch tài sản số.
Cụ thể, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho biết Bộ Tài chính được giao trách nhiệm hoàn thiện khung khổ pháp lý để xử lý các loại tài sản mã hóa, tiền mã hóa… Đồng thời, phối hợp với các bộ liên quan nghiên cứu thực trạng, kinh nghiệm quốc tế trong quản lý.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung.
"Bộ Tài chính đã kiến nghị với Chính phủ thừa nhận sự tồn tại, tiềm năng của tài sản số. Đây là quan điểm rất quan trọng", Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nhấn mạnh.
Ngay trong tháng 3/2025, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản mã hóa. Đến nay, ông Trung cho biết Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ ngành triển khai thực hiện việc này với quan điểm, nguyên tắc là triển khai thận trọng, có lộ trình, phù hợp thực tiễn, bảo đảm an toàn, minh bạch, hiệu quả; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức tham gia thị trường mã hóa.
Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết tài sản số sẽ được thực hiện thí điểm trên thị trường giao dịch. Việc phát hành tài sản số hứa hẹn sẽ mở ra một kênh huy động vốn mới cho doanh nghiệp bên cạnh tài sản tài chính truyền thống.
Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nhấn mạnh việc triển khai thí điểm thị trường cần tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của các quốc gia mà nhà đầu tư nước ngoài tham gia trên thị trường tài sản mã hóa là công dân.
Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã có văn bản như dự thảo nghị quyết của Chính phủ để gửi lấy ý kiến các bộ ngành trong 2 văn bản gần đây (ngày 27, 29/3).
"Chúng tôi sẽ hoàn thiện lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Hiện nay chúng tôi đang tổng hợp, tiếp thu, giải trình các ý kiến để hoàn thiện nghị quyết trước khi báo cáo Chính phủ", lãnh đạo Bộ Tài chính thông tin.
Trong chỉ thị vào tháng trước, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao đề xuất, trình Chính phủ ngay trong tháng 3/2025 về khung pháp lý quản lý, thúc đẩy phát triển tài sản số, tiền kỹ thuật số lành mạnh và hiệu quả.
Còn theo kết luận tại buổi làm việc với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhất trí với đề xuất của Ban Chính sách, chiến lược Trung ương về việc cần sớm quản lý đồng tiền kỹ thuật số dưới dạng một loại tài sản ảo để tránh các tác động tiêu cực đến nền kinh tế và các vấn đề xã hội, đồng thời giúp đóng góp giá trị cho kinh tế đất nước.
Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Quốc hội và các cơ quan của Chính phủ cần sớm thể chế hoá và cụ thể hoá để quản lý lĩnh vực này. Nghiên cứu áp dụng cơ chế thí điểm có kiểm soát (sandbox) để thành lập "sàn giao dịch" cho hoạt động này.
Trước đó, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh việc quản lý đồng tiền kỹ thuật số không để chậm chân, không để mất cơ hội, không tạo khoảng cách hoặc khu biệt với các hình thái tài chính mới cũng như những phương thức giao dịch hiện đại.
Các tin liên quan
17/04/2025 Ngân hàng rao bán khoản nợ xấu hơn 360 tỷ của 2 doanh nghiệp thép
17/04/2025 Không ngừng tăng ‘sốc’, đâu là yếu tố chủ đạo định hình xu hướng giá vàng ngắn hạn?
17/04/2025 Tín dụng khởi sắc nhưng rủi ro nợ xấu sẽ tăng
17/04/2025 Giá vàng thế giới lập đỉnh mới, tiệm cận mốc 3.333 USD/ounce
16/04/2025 Tổng dư nợ tín dụng lên mức kỷ lục 16,23 triệu tỷ đồng
16/04/2025 Giới đầu tư vẫn thận trọng với đồng USD do lo ngại về thuế quan của Mỹ
16/04/2025 Giá vàng liên tục phá vỡ các kỷ lục, nhưng nhà đầu tư có nguy cơ chịu lỗ ngay sau khi vừa mua
15/04/2025 Giá vàng châu Á trở lại đường đua tạo kỷ lục mới
15/04/2025 Nhà băng nào còn duy trì mức lãi suất trên 6%/năm?
15/04/2025 Giá vàng chững lại sau đợt tăng kỷ lục