Vietnam+ - 2025/04/17 10:21:03
Từ Apple đến Nvidia, một số tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ vừa nhận được “tấm khiên” tạm thời trước làn sóng thuế quan của Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, đối với phần lớn doanh nghiệp khác, đặc biệt là các ngành sản xuất và nông nghiệp, mức thuế quan mới cao ngất ngưỡng thể trở thành đòn giáng nặng nề.
Biểu tượng của Tập đoàn Nvidia. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Theo trang Al Jazeera, trong khi ông Trump tạm thời “nhẹ tay” với hầu hết các quốc gia, tuyên bố tạm hoãn áp thuế đối ứng trong vòng 90 ngày, Trung Quốc lại không nằm trong danh sách được ưu ái. Thay vào đó, Washington đã tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc lên tới 145%, rồi cảnh báo tăng lên 245% trong một động thái thể hiện rõ lập trường cứng rắn.
Chính quyền Mỹ khẳng định chính sách thuế quan mới là cần thiết để khôi phục ngành công nghiệp nội địa. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Mỹ đã quá phụ thuộc vào nguồn hàng giá rẻ từ Trung Quốc. Tăng thuế sẽ khiến giá thành sản phẩm tăng cao, làm giảm lợi nhuận và gia tăng áp lực lên người tiêu dùng.
Phản ứng trước động thái của Mỹ, Bắc Kinh ngay lập tức áp dụng các biện pháp trả đũa, nâng mức thuế đối với hàng hóa Mỹ từ 84% lên 125%. Với những động thái này, hoạt động xuất khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc – đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp – có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề.
Thực trạng quan hệ thương mại Mỹ - Trung
Bất chấp những căng thẳng gia tăng, Mỹ và Trung Quốc vẫn là những đối tác thương mại lớn. Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, tổng kim ngạch thương mại hàng hóa giữa hai nước đạt 582,4 tỷ USD trong năm 2024. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Mỹ, sau Canada và Mexico.
Cụ thể, Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc 438,9 tỷ USD, trong khi chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc 143,5 tỷ USD, dẫn đến mức thâm hụt thương mại lên đến 295,4 tỷ USD – cao nhất so với bất kỳ quốc gia nào khác.
Mặc dù tăng thuế, nhưng chính quyền ông Trump vẫn đưa ra một số miễn trừ đáng chú ý đối với các mặt hàng công nghệ quan trọng như điện thoại thông minh, tấm pin năng lượng Mặt Trời và chip bán dẫn – vốn chủ yếu được sản xuất tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Trump cũng nhấn mạnh rằng đây chỉ là các miễn trừ tạm thời và các sản phẩm này vẫn đang phải chịu mức thuế 20% được áp dụng trước đó.
Việc áp thuế cao khiến nhiều doanh nghiệp không thể gánh nổi chi phí gia tăng, buộc phải chuyển phần gánh nặng đó sang người tiêu dùng. Kết quả là lạm phát tăng cao, trong khi sản lượng sản xuất và tiêu dùng có thể suy giảm.
Theo một phân tích từ Phòng thí nghiệm Ngân sách Yale, nếu xu hướng hiện tại tiếp tục diễn ra, chính sách thuế quan có thể khiến 740.000 người Mỹ mất việc vào cuối năm 2025.
Dệt may và quần áo hứng thiệt hại
Cửa hàng thời trang Nike. Ảnh: The Economic Times
Dự đoán giá các sản phẩm tiêu dùng quen thuộc – như giày thể thao Nike, quần jeans Levi's hay áo phông Gap chắc chắn tăng vì thuế quan làm suy yếu các nhà máy ở châu Á, nền tảng của ngành may mặc toàn cầu.
Vào năm 2024, các nhà máy tại Trung Quốc, Việt Nam và Indonesia sản xuất tới 95% tổng lượng giày Nike toàn cầu. Trong khi Trung Quốc chịu mức thuế 145%, Indonesia cũng đang đối mặt với mức thuế 10%, mức thuế này có thể tăng vào tháng 7 nếu không thành công trong việc đạt được thỏa thuận thương mại với Washington vào thời điểm đó.
Gap cũng chịu ảnh hưởng lớn từ các quy trình sản xuất tại châu Á. Kể từ thông báo về mức thuế đối ứng của ông Trump vào ngày 2/4, cổ phiếu của Gap đã giảm 14%, Nike giảm 14,7% và Levi's mất 10,6%.
Điện thoại thông minh và chất bán dẫn chịu ảnh hưởng
Chip bán dẫn trên một bản mạch máy tính. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP) đã tạm thời miễn thuế cho 20 danh mục sản phẩm công nghệ bao gồm máy tính, điện thoại thông minh, chip nhớ và màn hình phẳng. Đây là tin vui với các ông lớn như Apple – vốn phụ thuộc lớn vào dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, những miễn trừ này không vĩnh viễn. Ông Trump khẳng định các mặt hàng công nghệ vẫn có thể bị áp thuế riêng trong thời gian tới. Ông cũng đã mở cuộc điều tra về tác động của việc nhập khẩu chất bán dẫn đối với an ninh quốc gia – khiến các công ty điện tử thêm phần bất an.
Apple và Nvidia – hai cái tên hưởng lợi nhiều nhất từ các miễn trừ vừa qua – có giá cổ phiếu tăng mạnh. Tuy nhiên, cả hai vẫn nằm trong “vùng nguy hiểm” nếu căng thẳng tiếp tục leo thang.
Nvidia phụ thuộc nhiều vào linh kiện từ Trung Quốc và hợp tác chặt chẽ với TSMC (Đài Loan) để sản xuất chip đồ họa và AI. Còn Apple hiện thuê ngoài phần lớn hoạt động lắp ráp tại Trung Quốc – một chuỗi cung ứng đã được định hình suốt hàng chục năm và không dễ thay thế.
Nông nghiệp: Ngành “gánh đòn” nặng nề nhất
Người dân mua thực phẩm tại siêu thị ở Burlingame, California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Cuộc chiến thương mại trước đây (2018 – 2019) đã khiến nông dân Mỹ thiệt hại hàng tỷ USD. Lần này, các nhà xuất khẩu nông sản tiếp tục nằm trong vùng tâm bão. Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất cho đậu nành Mỹ.
Theo Điều tra nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp, Mỹ có hơn 500.000 nhà sản xuất đậu nành. Báo cáo năm 2023 của Hiệp hội chế biến hạt có dầu quốc gia và Hội đồng đậu nành Mỹ cũng chỉ ra ngành này hỗ trợ ít nhất 223.000 việc làm toàn thời gian. Với giá trị 124 tỷ USD, ngành đậu nành của Mỹ được ước tính có quy mô lớn hơn toàn bộ nền kinh tế của Kenya hay Bulgaria.
Hiệp hội Đậu nành Mỹ đã lên tiếng phản đối chính sách thuế quan mới, cảnh báo rằng nhiều nông dân có thể phá sản nếu cuộc chiến thương mại kéo dài. Trung Quốc từng chuyển sang mua đậu nành từ Brazil trong giai đoạn trả đũa trước đây và hiện đã áp mức thuế gấp 5 lần đối với mặt hàng này.
Ngoài đậu nành, các ngành xuất khẩu ngô và thịt lợn cũng chịu ảnh hưởng. Những tập đoàn lớn như Cargill, Tyson Foods hay Archer Daniels Midland đều có nguy cơ mất doanh thu xuất khẩu vào tay các đối thủ quốc tế.
Hải Vân/Báo Tin tức
Các tin liên quan
22/04/2025 'Tác dụng' bất ngờ từ chính sách của thuế quan của Tổng thống Trump với châu Âu
22/04/2025 Chứng khoán châu Á diễn biến ngược chiều trước rủi ro chính sách tại Mỹ
22/04/2025 Giá dầu phục hồi nhẹ khi nỗi lo thuế quan còn dai dẳng
22/04/2025 Mệt mỏi vì bị công kích, tỷ phú Elon Musk sắp rút khỏi chính trường?
22/04/2025 Người tiêu dùng Mỹ lo ngại lạm phát khi giá hàng hóa tiếp tục tăng
22/04/2025 Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Trump giảm xuống còn 42%
22/04/2025 Ba sự thay đổi lớn trong mô hình phát triển của nước Mỹ
22/04/2025 Đàm phán Mỹ - Iran tiến triển, giá dầu giảm hơn 2%
22/04/2025 Tổng thống D. Trump gặp lãnh đạo các tập đoàn bán lẻ hàng đầu
22/04/2025 "Cú sốc thuế quan" đối với kinh tế Thái Lan