Vietnam+ - 2025/04/17 16:52:52
Ông Sycamore cho rằng giá dầu WTI có thể tăng trở lại mức 65-67 USD/thùng nhưng sẽ khó để tăng cao hơn nữa.
Giá dầu châu Á tiếp tục tăng trong phiên 17/4 trước viễn cảnh nguồn cung thắt chặt hơn, sau khi Mỹ áp đặt thêm các lệnh trừng phạt nhằm hạn chế hoạt động mua bán dầu của Iran và một số thành viên của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cam kết cắt giảm sản lượng bổ sung để bù đắp cho việc đã bơm dầu vượt hạn ngạch.
Giàn khoan dầu tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Khoảng 13 giờ 15 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 56 xu (0,85%) lên 66,41 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 65 xu (1,04%) lên 63,12 USD/thùng.
Cả hai loại dầu chuẩn này đều đóng phiên 16/4 với mức tăng 2%, đạt mức cao nhất kể từ ngày 3/4 và đang trên đà ghi nhận tuần tăng giá đầu tiên sau ba tuần giảm liên tiếp. Phiên 17/4 là ngày giao dịch cuối cùng của tuần trước kỳ nghỉ Lễ Thứ Sáu Tuần Thánh (Good Friday) và Lễ Phục Sinh.
Nhà phân tích thị trường Tony Sycamore của IG nhận định có một số yếu tố thúc đẩy thị trường như đồng USD yếu hơn khiến dầu thô rẻ hơn khi mua vào, và áp lực của Mỹ đối với Iran.
Ông Sycamore cho rằng giá dầu WTI có thể tăng trở lại mức 65-67 USD/thùng nhưng sẽ khó để tăng cao hơn nữa.
Ngày 16/4, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã ban hành các lệnh trừng phạt mới nhắm vào hoạt động xuất khẩu dầu của Iran, bao gồm cả một nhà máy lọc dầu tư nhân có trụ sở tại Trung Quốc. Động thái này nhằm gia tăng áp lực lên Iran trong bối cảnh các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân ngày càng leo thang của nước này.
Những lo ngại về nguồn cung cũng đang hỗ trợ thị trường khi OPEC cho biết đã nhận được các kế hoạch cập nhật từ Iraq, Kazakhstan và các quốc gia khác về việc thực hiện cắt giảm sản lượng bổ sung để bù đắp cho việc đã bơm vượt hạn ngạch đã thỏa thuận trước đó.
Dự trữ xăng và các sản phẩm chưng cất của Mỹ giảm mạnh, cùng với mức tăng dự trữ dầu thô hàng tuần thấp hơn dự kiến cũng đã củng cố thị trường. Phần lớn áp lực bán trên thị trường dầu thô toàn cầu gần đây liên quan đến lo ngại về một làn sóng dầu của Mỹ sắp tràn vào và gây dư thừa nguồn cung (khiến giá giảm), nhưng thực tế là hoạt động lọc dầu đang giảm sút.
Mặc dù vậy, OPEC, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và một số ngân hàng, bao gồm Goldman Sachs và JP Morgan, đã hạ dự báo về giá dầu và tăng trưởng nhu cầu trong tuần này. Nguyên nhân là do các chính sách thuế quan của Mỹ và các biện pháp trả đũa từ các quốc gia khác đã gây xáo trộn thương mại toàn cầu.
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự báo thương mại hàng hóa toàn cầu sẽ giảm 0,2% trong năm nay, thấp hơn so với kỳ vọng tăng trưởng 3% được đưa ra vào tháng 10/2024.
Các tin liên quan
22/04/2025 'Tác dụng' bất ngờ từ chính sách của thuế quan của Tổng thống Trump với châu Âu
22/04/2025 Chứng khoán châu Á diễn biến ngược chiều trước rủi ro chính sách tại Mỹ
22/04/2025 Giá dầu phục hồi nhẹ khi nỗi lo thuế quan còn dai dẳng
22/04/2025 Mệt mỏi vì bị công kích, tỷ phú Elon Musk sắp rút khỏi chính trường?
22/04/2025 Người tiêu dùng Mỹ lo ngại lạm phát khi giá hàng hóa tiếp tục tăng
22/04/2025 Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Trump giảm xuống còn 42%
22/04/2025 Ba sự thay đổi lớn trong mô hình phát triển của nước Mỹ
22/04/2025 Đàm phán Mỹ - Iran tiến triển, giá dầu giảm hơn 2%
22/04/2025 Tổng thống D. Trump gặp lãnh đạo các tập đoàn bán lẻ hàng đầu
22/04/2025 "Cú sốc thuế quan" đối với kinh tế Thái Lan