Thời báo kinh doanh - 2025/04/18 9:18:49
Việc chuyển hướng xuất khẩu nhằm tránh rủi ro từ một vài thị trường truyền thống đang cần các doanh nghiệp Việt có điểm đến chiến lược và định hướng mới, cũng như vượt qua những rào cản kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm và có được “quân bài” bứt phá cạnh tranh. Đây sẽ là “chìa khóa” giúp họ chinh phục các thị trường mới tiềm năng.
Trong việc chuyển hướng xuất khẩu (XK) thủy sản, Brazil có thể được xem là điểm đến chiến lược để Việt Nam giảm phụ thuộc vào các thị trường truyền thống. Hồi năm rồi kim ngạch XK thủy sản của Việt Nam sang thị trường này đạt 130 triệu USD, chủ yếu là cá tra.
Từ điểm đến chiến lược của thủy sản
Bà Lê Hằng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản (Vasep), cho rằng thị trường Brazil có nhu cầu tiêu thụ cao, nguồn cung nội địa thiếu hụt, cùng chính sách nới lỏng tiêu chuẩn nhập khẩu mở ra cơ hội lớn. Việt Nam có thể tận dụng giá cạnh tranh, hợp tác thương mại song phương, và đàm phán MERCOSUR để tăng thị phần.
Khi chuyển hướng XK, các DN Việt cần chinh phục những nhà thu mua quốc tế bằng nhiều “quân bài” trong tay giữa môi trường cạnh tranh gay gắt.
“Với 26 doanh nghiệp (DN) như Hùng Cá, Cadovimex, Nam Việt, và Hoàng Long đang hoạt động tại Brazil, Việt Nam có nền tảng vững chắc để khai thác sâu hơn thị trường này”, bà Hằng chia sẻ.
Như lưu ý của vị Phó tổng thư ký Vasep, Brazil là thị trường chiến lược để Việt Nam mở rộng XK thủy sản, đặc biệt với cá tra và các sản phẩm chế biến sẵn. Với lợi thế giá cả, sự hỗ trợ từ hợp tác song phương, và nhu cầu nhập khẩu ổn định, Việt Nam có cơ hội không chỉ củng cố vị thế mà còn đa dạng hóa đầu ra trong bối cảnh toàn cầu đầy biến động.
Tuy nhiên, điều mà các DN thủy sản của Việt Nam cần làm khi nhắm đến thị trường Brazil là phải vượt qua các rào cản kỹ thuật và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đây sẽ là “chìa khóa” để họ chinh phục thị trường Nam Mỹ đầy tiềm năng này.
Cũng theo bà Hằng, để tận dụng tối đa cơ hội tại Brazil, các DN nên theo dõi sát quy định nhập khẩu. Đầu tư vào chế biến sâu, phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng như cá tra tẩm gia vị, chả cá, nhằm phục vụ phân khúc tiêu dùng tiện lợi.
Hơn nữa, các DN cần tham gia xúc tiến thương mại, tận dụng hội chợ và hỗ trợ từ Thương vụ Việt Nam để xây dựng thương hiệu. Đặc biệt là cần đảm bảo chứng nhận bền vững, đáp ứng yêu cầu khắt khe của Brazil về truy xuất nguồn gốc và môi trường.
Không riêng gì với Brazil, việc tìm kiếm thị trường mới và đối tác thay thế, nhằm xây dựng một hệ thống đủ sức chống chịu trong kịch bản chiến tranh thương mại Mỹ - Trung kéo dài là rất cần thiết với các DN thủy sản Việt.
Như với các DN trong ngành hàng cá tra, theo giới chuyên gia, các DN nên tích cực chủ động chuẩn bị phương án để tìm kiếm, mở rộng, thay thế thị trường Mỹ bằng các thị trường chiến lược khác như ASEAN, Trung Đông.
Hoặc như với các DN ở mảng XK tôm cần đa dạng hóa thị trường XK thông qua việc đẩy mạnh khai thác các hiệp định thương mại tự do (FTA) như FTA Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) để giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Tăng sự hiện diện tại châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Đông.
Ngoài vấn đề chuyển hướng XK nhắm vào những “điểm đến” chiến lược ở ngành thủy sản, trong một cuộc thảo luận trực tuyến vào ngày 17/4 nhằm bàn về rào cản thuế quan Mỹ, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, nói rằng việc chuyển hướng XK của Việt Nam trong bối cảnh Hoa Kỳ áp thuế đối ứng đang cần tầm nhìn chiến lược và định hướng mới.
Như ở khu vực Bắc Âu, theo bà Thúy, mặc dù là thị trường nhỏ vì dân số ít, nhưng nếu đưa được hàng Việt hiện diện ở đây càng nhiều thì từ đó càng có thể “bắc cầu” qua những thị trường lớn như Đức hay Ba Lan. Như thế kim ngạch có thể không trực tiếp tăng khi vào Bắc Âu nhưng có thể tăng khi vào thị trường chung EU, điều đó sẽ tốt cho DN.
Đến “quân bài” bứt phá cạnh tranh
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy cho biết nếu như các tập đoàn lớn của Bắc Âu chọn Việt Nam làm “căn cứ” sản xuất của họ thì hàng hóa Việt Nam không chỉ vào Bắc Âu mà còn trở thành một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ. Đây là định hướng mà Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển đang hỗ trợ các DN Việt khi chuyển hướng thị trường.
“Song song đó, chúng tôi cũng thúc đẩy kết nối với hậu cần và cảng biển. Nếu như vấn đề cảng biển của chúng ta không có các đường biển vận chuyển trực tiếp thẳng từ Việt Nam sang Bắc Âu thì hàng hóa vào thị trường này vốn đã nhỏ rồi thì kim ngạch sẽ còn nhỏ nữa khi phải đi qua các cảng trung chuyển. Cho nên việc xúc tiến các hợp tác về cảng biển là rất quan trọng”, vị nữ tham tán thương mại chỉ rõ.
Bên cạnh đó, để giữ được dòng đơn hàng XK trước áp lực thuế đối ứng từ Mỹ, giới chuyên gia có lời khuyên cho các DN Việt thay vì tập trung vào thành phẩm tiêu dùng thì có thể chuyển sang XK linh kiện, vải dệt, gỗ tấm, bán thành phẩm cho các trung tâm sản xuất khác như Ba Lan, Romania, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ.
Mặt khác, khi chuyển hướng thị trường thì có một số vấn đề mà các DN cần lưu tâm. Như với thị trường 1,5 tỷ dân ở Ấn Độ, ông Bùi Trung Thướng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Ấn Độ, lưu ý trước khi thâm nhập thị trường này thì các DN Việt phải lường trước xu hướng bảo hộ còn rất cao (đặc biệt là ở những ngành sử dụng nhiều lao động hay ngành nông nghiệp).
Riêng với các DN nhỏ và vừa nhắm đến thị trường Ấn Độ, theo ông Thướng, họ nên trang bị thật đầy đủ trước khi XK, từ thông tin trên website cho đến hoàn thiện thật tốt cho sản phẩm. Họ cũng cần có năng lực về quản trị và am hiểu luật pháp, ngoại ngữ khi làm việc với đối tác thu mua từ Ấn Độ.
Không chỉ vậy, vị tham tán thương mại của Việt Nam tại Ấn Độ cũng kể ra một số trường hợp DN chưa thật sự nghiêm túc khi phía thương vụ hỗ trợ kết nối giao thương, xúc tiến thương mại ở thị trường Ấn Độ. Chẳng hạn có DN sang Ấn Độ nhưng chủ yếu là kết hợp với việc đi du lịch và thiếu đi một chiến lược thực sự.
Ngoài ra, để chuyển hướng thị trường thành công, những nhà XK của Việt Nam cũng nên nhìn nhận lại năng lực cạnh tranh của mình. Theo Phó giáo sư Abel D. Alonso, chuyên gia kinh doanh quốc tế, các DN Việt nên có rất nhiều “quân bài” trong tay để tạo khác biệt và bứt phá giữa môi trường cạnh tranh.
Vị chuyên gia này chỉ rõ nhu cầu người tiêu dùng tại các thị trường XK mới mà DN Việt nhắm đến cũng đang thay đổi. Những sản phẩm chất lượng cao, truy xuất được nguồn gốc và thân thiện với môi trường ngày càng được ưa chuộng – mở ra cơ hội mới cho thương hiệu Việt.
Hơn thế nữa, trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, các DN Việt cũng cần định hình lợi thế của mình thông qua đổi mới sáng tạo. Với chiến lược đúng đắn và sự hỗ trợ phù hợp, “quân bài” bứt phá cạnh tranh ở những thị trường mới của các nhà XK của Việt Nam có thể sẽ được khẳng định từ khả năng tạo nên sự khác biệt, không chỉ bằng giá cả mà bằng bản sắc riêng. Đây cũng chính là “chìa khóa” cho hàng Việt khi chuyển hướng XK.
Các tin liên quan
23/04/2025 Hàng hóa nội địa nguy cơ bị 'nhấn chìm' trên sân nhà
23/04/2025 Giảm 200 đồng/kg nhưng cà phê được dự báo tiếp tục tăng trong ngắn hạn
22/04/2025 Hoa Kỳ áp thuế sốc với pin mặt trời, Việt Nam đối diện mức thuế lên tới 542%
18/04/2025 ‘Chìa khóa’ giúp doanh nghiệp Việt chinh phục thị trường mới khi chuyển hướng
17/04/2025 Động lực nào giúp kinh tế tăng tốc cho mục tiêu tăng trưởng 8%?
16/04/2025 Đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên: Kiên quyết không để móng chờ cột
16/04/2025 Cục Thống kê khuyến nghị giải pháp ứng phó thuế Mỹ cho 15 mặt hàng xuất khẩu tỷ đô
15/04/2025 Những địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước sau sáp nhập
14/04/2025 Hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc: Kỳ vọng lớn từ chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình
14/04/2025 Xuất khẩu gạo Việt Nam sang Philippines tiếp tục giữ 'ngôi vương', thêm áp lực cạnh tranh