Thời báo kinh doanh - 2025/04/18 9:17:44
Tốc độ thẩm thấu nhanh của 3 bộ luật sửa đổi liên quan trực tiếp, cùng niềm tin vào tăng trưởng vĩ mô, chính sách hỗ trợ và dòng vốn chảy mạnh là cơ sở để không ít đại gia địa ốc đặt kỳ vọng lớn trong năm 2025. Tuy nhiên, mọi chuyện không dễ dàng.
Khảo sát của VnBusiness cho thấy phần lớn doanh nghiệp bất động sản niêm yết đều đặt mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2025. Các tên tuổi như Vinhomes, Khang Điền, Văn Phú Invest, DIC Corp, Hải Phát Invest, Nam Long…, kỳ vọng lợi nhuận tăng bằng lần.
Nhiều kỳ vọng
Điển hình, năm 2025, Vinhomes (VHM) đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất 180.000 tỷ đồng, tăng gần 80% so với thực hiện năm 2024. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 42.000 tỷ đồng, tăng trưởng 20%, mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của công ty.
Với Nhà Khang Điền (KDH), theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên mới được công bố, công ty đặt mục tiêu năm 2025 với doanh thu thuần 3.800 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.000 tỷ đồng, tăng lần lượt gần 16 và 23% so với năm 2024.
Các chủ đầu tư lớn khác như Masterise Homes, MIK Group, Xuân Cầu, Tân Hoàng Minh, Flamingo, Ecopark… dù chưa có thông tin cụ thể về mục tiêu kinh doanh 2025, nhưng qua những diễn biến thực tế như khởi công, mở bán dự án cũng cho thấy kỳ vọng lớn.
Doanh nghiệp địa ốc đặt kì vọng lớn trong năm 2025, tuy nhiên thách thức là không nhỏ.
Việc các doanh nghiệp địa ốc đặt kỳ vọng “khủng” trong năm 2025 là có cơ sở với loạt điểm tựa. Trước hết là việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công và giữ vững mục tiêu thu hút FDI trong năm nay ở mức 39-40 tỷ USD, trở thành yếu tố củng cố tâm lý thị trường.
Cùng với niềm tin về tăng trưởng hạ tầng, dòng vốn nhà băng được khơi cũng mang lại những niềm hy vọng mới cho các doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước đã cam kết duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ nền kinh tế, cùng mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 16%, tương đương với 2,5 triệu tỷ đồng sẽ được “bơm” ra thị trường.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế đánh giá sức bật của thị trường đang được trợ lực bởi nhiều yếu tố, tiêu biểu là đà tăng trưởng kinh tế ổn định của Việt Nam trong giai đoạn 2024-2025, song hành với đó là lạm phát được kiểm soát và lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp.
“Đặc biệt, những áp lực về tài chính của các doanh nghiệp địa ốc dần được gỡ bỏ và nhiều doanh nghiệp đã thành công trong việc tiếp cận vốn”, ông Lực nhấn mạnh.
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm VIS Rating nhận định, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục phục hồi sau giai đoạn suy thoái kéo dài nhờ môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, góp phần thúc đẩy hoạt động phát triển dự án mới và doanh số bán hàng.
Trong khi đó, chủ trương tinh gọn bộ máy của Đảng và Nhà nước, bên cạnh hành lang pháp lý hoàn thiện hơn, sẽ là cơ sở để đơn giản hóa thủ tục hành chính, giải phóng các dự án “treo”, tạo động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp.
Lắm thách thức
Kịch bản “lạc quan” là rất rõ ràng, tuy nhiên, cũng không thể bỏ qua những biến cố mà các doanh nghiệp bất động sản có thể gặp phải trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu.
Như trường hợp của BV Land trong năm 2025 này lên kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất 1.663 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần, lãi sau thuế 408 tỷ đồng, tăng gấp 23 so với mức thực hiện năm 2024. Tuy nhiên, khi nhìn vào những con số này, không ít người bày tỏ lo ngại.
Sự lo ngại là có cơ sở, bởi trước hết là khi nhìn lại kết quả năm 2024 của công ty. Tại đại hội đồng cổ đông thường niên (AGM) 2024, BV Land đã thông qua kế hoạch doanh thu thuần 1.350 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 118 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khi kết năm BV Land chỉ đạt được 803 tỷ đồng doanh thu thuần (giảm 22%), 18 tỷ đồng lãi sau thuế (giảm 68%) so với năm trước, lần lượt hoàn thành 59% và 15% kế hoạch năm. Nguyên nhân chính vẫn đến từ những vướng mắc pháp lý khiến dự án chậm tiến độ.
Trở lại với mục tiêu năm 2025, niềm hy vọng lớn nhất của BV Land là kết quả bán hàng tại BV Bavella Green Park, hiện tại đã đủ điều kiện chuyển nhượng 239 lô đất.
Trong khi các dự án còn lại của doanh nghiệp này đến nay khá “mỏng manh”, điển hình như các dự án BV Diamond Hill Bắc Giang, BV Bavella Lạc Ngàn đã bán tới 91% - 99% giỏ hàng nên hầu như không có nhiều ý nghĩa đối với việc đóng góp doanh thu – lợi nhuận.
Một ví dụ để thấy rằng năm 2025 được kỳ vọng là một năm ghi nhận hiệu quả hoạt động tốt hơn của các chủ đầu tư. Tuy vậy, thị trường đang chứng kiến sự phân hóa mạnh mẽ giữa các doanh nghiệp và lợi thế gần như vẫn đang nghiêng về các đại gia đầu ngành.
Cụ thể, theo chuyên gia, năm 2025 các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có thêm cơ hội, nhưng lợi thế vẫn nghiêng về “bộ đôi” Vingroup – Vinhomes và một số ít “ông lớn” khác. Minh chứng là trong năm 2024, nhóm 3 doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất gọi tên Vinhomes với 35.052 tỷ đồng, Vingroup 5.251 tỷ đồng và Nam Long với 1.381 tỷ đồng, chiếm phần lớn trong “miếng bánh” lợi nhuận toàn ngành.
Bên cạnh những lo ngại về sự mất cân bằng trong cạnh tranh, TS. Cấn Văn Lực đánh giá sức ép nợ trái phiếu và dòng tiền tài chính vẫn đang là rào cản lớn của doanh nghiệp địa ốc.
Những thách thức trên, theo ông Lực, đòi hỏi các doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch chuyên nghiệp hóa hoạt động phát triển, kinh doanh dự án để tận dụng cơ hội, thu được lợi nhuận bền vững trong môi trường pháp lý và điều kiện thị trường mới.
Các tin liên quan
22/04/2025 Nguồn cung bất động sản vẫn khan hiếm
22/04/2025 Người thuê nhà oằn vai với ‘bong bóng giá’
18/04/2025 Đặt kỳ vọng lớn, ‘giấc mộng’ của các ông lớn bất động sản có thành?
17/04/2025 Hải Phòng: Đấu giá lô đất 13,6ha tính thu về hơn 2.700 tỷ đồng
15/04/2025 Bất chấp nguy cơ bão hòa, vì sao các ông lớn vẫn ‘đánh cược’ với bất động sản siêu đắt?
14/04/2025 Để doanh nghiệp “mặn mà” rót vốn vào nhà giá rẻ
14/04/2025 Thắng đậm tiền tỷ khi sóng đất nền vùng ven liên tục dâng cao
13/04/2025 Người Hà Nội quan tâm đất nền vùng ven
13/04/2025 Hơn 5.500 căn nhà ở xã hội sẽ hoàn thành tại Bắc Giang trong năm 2025
11/04/2025 Giá bất động sản dọc tuyến metro số 1 tăng đến 20%