Hàng hóa nội địa nguy cơ bị 'nhấn chìm' trên sân nhà

Thời báo kinh doanh - 2025/04/23 9:13:51


Nguy cơ hàng hóa của các doanh nghiệp nội địa bị “nhấn chìm” ngay trên thị trường sân nhà đang tiếp tục hiện hữu khi đối mặt những bất lợi về cạnh tranh trước mối đe dọa từ khối ngoại, bất cập vốn vay, những biến đổi kênh bán hàng, khả năng thích ứng…Trong khi đó, việc mò mẫm tìm giải pháp để hóa giải tình trạng này vẫn còn chờ thời gian trả lời.

Đại diện của CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC) - chuyên về sản xuất săm lốp ô tô, đã than phiền rằng việc mở cửa thu hút các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) một cách ồ ạt mà không có tư duy kinh tế ngành sẽ vô tình “giết chết” DN nội địa ngay trên thị trường “sân nhà”.

Từ mối đe dọa của khối ngoại đến bất cập vốn vay

Chia sẻ tại một hội nghị do Bộ Công Thương tổ chức ở Tp.HCM hôm 22/4 để bàn về các giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, vị đại diện của DRC nêu dẫn chứng ở ngành săm lốp ô tô với tổng nhu cầu tiêu thụ nội địa tính đến thời điểm cuối năm 2024 vào khoảng 2 triệu lốp ô tô/năm. Trong khi đó, với hai DN nội địa hàng đầu là DRC và CTCP Công nghiệp Cao su miền Nam (Casumina) đã chiếm 75% về công suất đầu tư để đáp ứng nhu cầu. Và hiện nay còn có dự án 5 triệu lốp ô tô.

Sự thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt đang đòi hỏi các DN nhỏ và vừa phải nhanh chóng thích nghi.

Điều đáng nói, theo vị đại diện này, từ năm 2019, khi Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với Trung Quốc, đã có 5 DN của nước này chuyển vào Việt Nam để mở nhà máy sản xuất săm lốp ô tô với tổng công suất là 12 triệu lốp xe/năm.

“Rõ ràng là công suất của các nhà đầu tư này gấp nhiều lần so với DN trong nước. Tất nhiên, họ làm bước đệm để xuất khẩu sang Mỹ và những quốc gia khác. Nhưng hôm nay chúng tôi phải “trả giá kép” khi Mỹ áp thuế đối ứng cao khiến bản thân công ty khó xuất đi được, còn 5 DN nêu trên nếu không xuất đi được thì sản phẩm của họ sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam. Với năng lực của các doanh nghiệp FDI như vậy thì chắc chắn trong tương lai sẽ thôn tính DN trong nước ở lĩnh vực này”, vị đại diện của DRC bày tỏ sự lo lắng.

Ngoài mối đe dọa từ khối ngoại ngay trên thị trường “sân nhà”, một vấn đề bức xúc khác của các DN nội địa là gặp khó khăn trong vấn đề vốn vay dẫn tới ngưng trệ sản xuất, cho nên dù có đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa thì bản thân họ vẫn khó đáp ứng.

Như chia sẻ của một chủ DN chuyên sản xuất mặt hàng rượu thanh long ở tỉnh Bình Thuận, mặc dù dây chuyền sản xuất của công ty là tiền tỷ nhưng phía ngân hàng vẫn không xem đó là tài sản để thế chấp cho vay vốn. Và thực tế là đến thời điểm hiện tại, bản thân công ty vẫn chưa thể vay được. 

Theo vị chủ DN này, có nhiều DN khác cũng rơi vào cảnh tương tự như vậy khi bế tắc trước việc xem xét tài sản thế chấp từ phía ngân hàng, dẫn tới khó tiếp cận vốn vay. Điều này đặt ra vấn đề về sự tồn tại sống còn của DN nội địa trước khi nghĩ đến chuyện phát triển thị trường trên “sân nhà”.

Bên cạnh những phản ánh nêu trên, theo ông Nguyễn Minh Đức, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, sự sụt giảm của niềm tin tiêu dùng đang là thách thức lớn cho các DN nội địa trong khi bản thân “sức khỏe” của họ cũng có nhiều vấn đề.

Như ở góc độ tạo nguồn vốn cho DN, mặc dù khung vốn lớn nhưng theo ông Đức, chính sách để các DN tiếp cận vốn vẫn là câu chuyện nên được chi tiết hóa trong các chính sách hỗ trợ để các DN có thể tiếp cận phù hợp nhằm phát triển trong thời gian tới.

Ngoài ra, ông Đức cho rằng thay vì để các DN nội địa cạnh tranh lẫn nhau thì nên ngồi lại với nhau để cùng tìm cơ hội. Chẳng hạn như các hiệp hội DN trong lĩnh vực logistics, thương mại điện tử, các nhà bán lẻ…cần ngồi lại để bàn những giải pháp mang tính chất lớn hơn ở thị trường nội địa vì cái chung hơn.

Cái giá phải trả sẽ rất lớn nếu không sớm tháo gỡ

Còn nói về kênh bán hàng ở trong nước hiện nay, theo bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc kinh doanh cấp cao Kantar Worldpanel Vietnam, sự tăng trưởng của kênh trực tuyến (online) không đồng nghĩa với tăng trưởng của một ngành hàng/nhãn hàng cụ thể. Nguyên nhân đến từ việc người tiêu dùng có thể chỉ đang dịch chuyển chi tiêu của mình từ kênh này sang kênh khác (vì giá hấp dẫn, vì tiện lợi).

“Các DN cần thận trọng trong việc lựa chọn ưu tiên các kênh bán hàng, các chương trình khuyến mại, doanh nghiệp cũng cần thận trọng khi tung ra các sản phẩm mới. Các sản phẩm mới được tung ra liên tục mang đến cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn hơn, tuy nhiên điều này cũng dẫn đến sự giảm sút lòng trung thành với thương hiệu”, bà Nga đưa ra lời khuyên

Vị giám đốc kinh doanh cấp cao Kantar Worldpanel Vietnam cũng chỉ rõ sự tăng trưởng của thương mại điện tử (TMĐT) không chỉ ở thành thị mà còn rất nhanh chóng ở khu vực nông thôn. Cùng với sự tăng trưởng của kênh TMĐT và mua sắm online, mức độ khuyến mãi ngày càng tăng. Tuy nhiên, chỉ một nửa trong số đó mang lại tăng trưởng cả năm, cho thấy rằng khuyến mãi có thể mang lại hiệu ứng tăng trưởng ngắn hạn nhưng lại có thể tác động tiêu cực vào tăng trưởng dài hạn.

Xét về khó khăn hiện nay, theo Bộ Công Thương, do kinh tế toàn cầu suy giảm, các yếu tố như chiến tranh thương mại, biến động tỷ giá ngoại tệ cũng ảnh hưởng đến thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu, làm giảm thu nhập của một bộ phận người dân và gián tiếp tác động đến tiêu dùng nội địa.

“Việc các nước lớn như Mỹ áp dụng chính sách bảo hộ sản xuất trong nước thông qua việc đánh thuế cao cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường hàng hóa trong nước. Cụ thể, thu nhập và việc làm của lao động tại các DN xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ sẽ bị ảnh hưởng, theo đó sẽ ảnh hưởng đến sức mua tiêu dùng trong nước”, Bộ Công Thương nhận định.

Không chỉ có vậy, Bộ Công Thương nêu rõ sự thay đổi hành vi mua sắm từ kênh ngoại tuyến (offline) sang kênh online đòi hỏi các DN phải nhanh chóng thích nghi với các nền tảng số, nhưng nhiều DN chưa đủ năng lực đầu tư triển và thích ứng.

Mặt khác, cơ quan này cũng cho rằng người tiêu dùng hiện nay ưu tiên sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, thân thiện với môi trường, nhưng nhiều DN vẫn chưa kịp chuyển đổi để đáp ứng xu hướng này. Hơn thế nữa, nhiều DN nhỏ, kinh doanh sản phẩm từ các địa phương vẫn gặp khó khăn khi đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại do chi phí trưng bày cao và thủ tục phức tạp.

Ngoài ra, một thực tế thấy rõ là TMĐT xuyên biên giới phát triển mạnh, người tiêu dùng dễ mua hàng trực tiếp từ nước ngoài. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu thụ hàng hóa của các DN nội địa tại thị trường trong nước.

Nhìn vào một loạt bất lợi như kể trên của các DN nội địa ngay trên thị trường “sân nhà” để thấy cái giá phải trả sẽ rất lớn nếu không sớm tháo gỡ những khó khăn, rào cản. Mặt khác, bản thân các DN khối nội cũng phải có sự thay đổi tích cực để cạnh tranh tốt hơn nếu không muốn hàng hóa của mình bị “nhấn chìm” ngay trên “sân nhà”.

Thế Vinh-Link gốc

Các tin liên quan