VietNam Finance - 2025/05/07 14:41:36
Việc đẩy mạnh tích trữ hàng hoá trong quý I có thể trở thành nền tảng quan trọng giúp Phân bón Bình Điền duy trì đà tăng trưởng trong các quý tiếp theo, đặc biệt khi giá ure trên thị trường đang neo ở mức cao.
Quý I/2025, Công ty CP Phân bón Bình Điền (HoSE: BFC) ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 2.555 tỷ đồng, tăng 31,7% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này phản ánh nỗ lực mở rộng thị phần và tận dụng tốt nhu cầu thị trường, bất chấp bối cảnh ngành phân bón nhiều biến động.
Không chỉ gia tăng quy mô doanh thu doanh nghiệp còn cải thiện đáng kể hiệu quả hoạt động. Lợi nhuận gộp quý I đạt 374 tỷ đồng, tăng 42%, kéo biên lợi nhuận gộp lên 14,6%, cao hơn mức 13,6% cùng kỳ. Điều này cho thấy Phân bón Bình Điền đã quản lý tốt giá vốn và tối ưu hiệu quả sản xuất – kinh doanh.
Sau khi khấu trừ các khoản chi phí, doanh nghiệp báo lãi trước thuế 137,5 tỷ đồng và lãi sau thuế 111,1 tỷ đồng, cùng tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả kinh doanh tươi sáng của Phân bón Bình Điền
Đáng chú ý, "đại gia" ngành phân bón đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm 2025 đạt 281 tỷ đồng. Như vậy, chỉ sau một quý, doanh nghiệp đã hoàn thành tới 49% kế hoạch năm.
Về tài sản, tính đến cuối quý I, tổng tài sản đạt 3.513 tỷ đồng, tăng 7,2% so với đầu năm. Tài sản ngắn hạn chiếm tới 82%, nổi bật là hàng tồn kho đạt 1.588 tỷ đồng, chiếm khoảng 45% tổng tài sản. So với đầu năm, giá trị hàng tồn kho tăng hơn 8%. Động thái chủ động tích trữ hàng hóa, nhất là trong bối cảnh giá ure trên thị trường biến động mạnh có thể trở thành lợi thế quan trọng, giúp đảm bảo nguồn cung và đẩy mạnh doanh thu trong các quý tiếp theo.
Ở phía nguồn vốn, tổng nợ phải trả của Phân bón Bình Điền đạt 1.924 tỷ đồng, tăng 9,3% so với đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm áp đảo với 1.916 tỷ đồng (gần 100% tổng nợ), còn nợ dài hạn chỉ vỏn vẹn 8,3 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ phải trả trên tổng tài sản đạt khoảng 55%, còn tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu là 1,21 lần. Mức sử dụng đòn bẩy tài chính này chưa thể coi là quá rủi ro nhưng cũng cần được kiểm soát.
Hiện tại, hệ số thanh toán ngắn hạn của Phân bón Bình Điền ghi nhận ở mức 1,5 lần, cho thấy tài sản ngắn hạn đủ bù đắp nợ ngắn hạn. Tuy nhiên nếu loại trừ hàng tồn kho, khả năng thanh toán nhanh sẽ giảm đáng kể. Đây là điểm doanh nghiệp cần lưu ý để tránh áp lực thanh khoản, nhất là trong bối cảnh nợ ngắn hạn vẫn duy trì ở mức cao.
Một điểm sáng đáng ghi nhận là dòng tiền từ hoạt động kinh doanh quý I đã đảo chiều tích cực, đạt dương 208,7 tỷ đồng, so với mức âm 372,5 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Tổng lượng tiền cuối kỳ đạt 359,5 tỷ đồng, cao gấp đôi so với đầu năm.
Nhìn chung, Phân bón Bình Điền tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng trong kết quả kinh doanh quý I/2025, tạo ra động lực đáng kể giúp cổ phiếu BFC giữ vững vị thế trên thị trường chứng khoán.
Tính theo mức giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 6/5 là 44.800 đồng/cổ phiếu, vốn hóa của Phân bón Bình Điền đạt 2.561 tỷ đồng. Dưới góc nhìn kỹ thuật, cổ phiếu BFC cũng được đánh giá là một trong những mã "khỏe" hơn mặt bằng chung của thị trường khi đã tăng gần 40% từ vùng đáy gần nhất. Với mức giá hiện tại, cổ phiếu này chỉ còn cách vùng đỉnh 48.000 đồng/cổ phiếu một quãng ngắn. Trong trường hợp doanh nghiệp tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng tích cực về kết quả kinh doanh, BFC hoàn toàn có khả năng bứt phá vượt đỉnh, mở ra dư địa tăng giá mới trong các quý tiếp theo.
Các tin liên quan
07/05/2025 UEM: Thay đổi nhân sự
07/05/2025 PXM: Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông
07/05/2025 VVS: Quyết định Hội đồng quản trị về việc chấm dứt hoạt động chi nhánh Khánh Hòa
07/05/2025 VAB: Quy chế Tổ chức và hoạt động của Ban Kiểm soát
07/05/2025 VDG: Báo cáo kết quả phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động
07/05/2025 VFR: Báo cáo tài chính quý 1/2025 (công ty mẹ)
07/05/2025 PSP: Cập nhật Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025
07/05/2025 PSP: Thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp (Bổ sung ngành nghề kinh doanh)
07/05/2025 TAN: Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông
07/05/2025 VCX: Thay đổi nhân sự