VietNam Finance - 2025/05/23 9:47:13
Với sức mạnh kinh tế áp đảo tại Mỹ Latinh, Trung Quốc không ngần ngại thách thức sự thống trị của Mỹ tại chính "sân sau" của nước này.
Mới đây vào ngày 13/5, chính phủ Trung Quốc tổ chức cuộc họp bộ trưởng lần thứ 4 của Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC). Cuộc họp này không chỉ là tuyên bố chung giữa Trung Quốc và các nước Mỹ Latinh về việc tăng cường hợp tác kinh tế, mà còn là minh chứng cho thấy Trung Quốc có thể cạnh tranh với Mỹ ngay tại chính “sân sau” của Washington.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu khai mạc CELAC ngày 13/5. Mở rộng ảnh hưởng tại Mỹ Latinh không chỉ phục vụ mục tiêu kinh tế mà còn là nước đi địa chính trị chiến lược của Bắc Kinh.(Ảnh: Reuters)
Sức mạnh kinh tế của Trung Quốc tại Mỹ Latinh
Kể từ đầu thế kỷ 21 đến nay, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ Latinh đã có những bước tiến rõ rệt. Theo South China Morning Post, Bắc Kinh xem Mỹ Latinh là khu vực chiến lược trong hoạch định chính sách đối ngoại của mình, với ít nhất 3 mục tiêu chính.
Thứ nhất là đảm bảo nguồn cung dồi dào về tài nguyên thiên nhiên (như dầu mỏ, đồng, khí đốt tự nhiên và lithium) và nguyên liệu thô (như đậu nành, chuối, cà phê) để phục vụ nhu cầu năng lượng và lương thực.
Thứ hai, Bắc Kinh muốn thúc đẩy nguyên tắc “Một Trung Quốc”, tìm kiếm sự công nhận ngoại giao từ các quốc gia Trung Mỹ.
Thứ ba, Trung Quốc muốn thiết lập hiện diện cả về chính trị và kinh tế tại khu vực nằm ở vùng rìa ảnh hưởng của Mỹ.
Mối quan hệ đã đạt được những thành quả đáng kinh ngạc đối với cả 2 bên. Theo Ngân hàng thế giới, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ Latinh đã tăng từ 12,4 tỷ USD năm 2000 lên 515 tỷ USD vào năm 2024. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của khu vực này, chỉ sau Mỹ.
Mỹ Latinh và Caribe cũng là điểm đến lớn nhất ngoài châu Á của vốn đầu tư nước ngoài (FDI) Trung Quốc. FDI của các công ty Trung Quốc vào khu vực này hiện đạt khoảng 200,3 tỷ USD. Ngoài ra, các ngân hàng Trung Quốc đã cho khu vực này vay khoảng 120 tỷ USD để tài trợ các dự án hạ tầng.
Các dự án cơ sở hạ tầng như cảng Chancay trị giá 1,3 tỷ USD ở Peru hay sự hiện diện của các loại xe điện Trung Quốc trên đường phố Mỹ Latinh là minh chứng rõ nét cho ảnh hưởng kinh tế ngày càng sâu rộng của Bắc Kinh tại khu vực.
Tập đoàn vận tải Trung Quốc COSCO đầu tư vào một cảng biển ở Chancay, Peru. (Ảnh: AFP)
Vai trò của Mỹ dần mờ nhạt
Trong khi ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Mỹ La-tinh ngày càng tăng, thì quan hệ của Mỹ với Mỹ Latinh đã suy giảm đáng kể trong 2 thập niên trở lại đây.
Các đời tổng thống Mỹ gần đây chuyển trọng tâm sang các vấn đề nội địa hoặc khu vực khác như châu Á, Trung Đông, khiến Mỹ Latinh không còn là ưu tiên.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump, với chính sách “Nước Mỹ trên hết”, Tổng thống Trump đã cắt giảm viện trợ, rút lui khỏi một loạt thỏa thuận kinh tế khu vực và có lập trường cứng rắn về nhập cư, khiến Mỹ mất điểm trong mắt nhiều nước Mỹ Latinh.
Đến thời Tổng thống Joe Biden, mặc dù Mỹ nhiều lần cam kết hỗ trợ tài chính và thúc đẩy phát triển kinh tế tại Mỹ Latinh, nhưng trên thực tế chưa đạt được nhiều tiến triển.
Theo các chuyên gia, có khoảng cách giữa lời nói và hành động thực tế của Mỹ. Mặc dù đưa ra nhiều hứa hẹn nhưng nhiều chính sách của Mỹ còn bế tắc, chậm chạp, không đáp ứng kịp nhu cầu của một khu vực đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế và xã hội.
Trong 2 thập kỷ qua, Trung Quốc đã nổi lên như nhà đầu tư FDI hàng đầu ở hầu hết các nước Mỹ Latinh. Trong khi đó, tuy vẫn là nhà đầu tư FDI lớn nhất nhưng tỉ trọng FDI của Mỹ vào Mỹ Latinh có xu hướng giảm dần qua các năm. Năm 2023, Mỹ chiếm khoảng 33% tổng vốn FDI vào khu vực, giảm từ 39% của năm 2022 và 42% của năm 2021.
Cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Châu Mỹ tại Los Angeles, ngày 9/6/2022. Ảnh: Getty Images.
Mỹ - Trung "tranh giành" Mỹ Latinh
Cựu Tổng thống Joe Biden từng cho rằng sự vắng mặt của Mỹ tại Mỹ La-tinh là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ.
Thời gian gần đây, Washington đã có nhiều động thái nhằm "cô lập" Trung Quốc tại khu vực này. Hồi tháng 2, Trung Quốc chỉ trích Mỹ đã gây áp lực buộc Panama rút khỏi sáng kiến Vành đai và Con đường của nước này. Mỹ cũng khuyến cáo chính phủ Mexico không tiếp nhận thêm đầu tư từ Trung Quốc.
Trước động thái của Mỹ, trong bài phát biểu khai mạc CELAC mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các quốc gia Mỹ Latinh không khoan nhượng trước những hành vi bắt nạt nhằm chi phối quan hệ kinh tế của họ với Trung Quốc.
Theo South China Morning Post, tuyên bố của ông Tập Cận Bình được coi như lời thách thức trực diện hiếm thấy đối với Mỹ tại khu vực. Trung Quốc sẵn sàng tận dụng sức mạnh kinh tế và mạng lưới chính trị mà họ đã xây dựng trong suốt 25 năm qua tại khu vực để "soán ngôi" Mỹ.
Tại hội nghị, Trung Quốc đã công bố hạn mức tín dụng mới trị giá 66 tỷ nhân dân tệ (tương đương 9,18 tỷ USD) cho các nước thành viên CELAC. Không chỉ dừng lại ở hỗ trợ tài chính, Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết nhập khẩu nhiều hơn các sản phẩm chất lượng cao từ Mỹ Latinh, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường đầu tư trong các lĩnh vực chủ chốt như nông nghiệp, khoáng sản, năng lượng và cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc tại Mỹ Latinh vẫn còn những rào cản. Một số quốc gia bắt đầu cân nhắc lại vai trò của họ trong sáng kiến Vành đai và Con đường, phản ánh sự thận trọng về tính bền vững và minh bạch của các khoản đầu tư từ Bắc Kinh.
Trong khi đó, với lợi thế vị trí địa lý gần gũi và lịch sử hợp tác lâu đời, Mỹ có nhiều cơ hội khôi phục ảnh hưởng tại Mỹ La-tinh nếu có các chiến lược phù hợp, đặc biệt là hành động thực chất để cải thiện quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư.
Theo South China Morning Post
Các tin liên quan
23/05/2025 Doanh số bán nhà tại Mỹ thấp nhất kể từ năm 2009
23/05/2025 Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều do lo ngại về nợ công của Mỹ
23/05/2025 Nguy cơ sảy chân của kinh tế Mỹ do tác động của thuế quan
23/05/2025 Lạm phát ở Nhật Bản vọt lên do giá gạo tăng cao
23/05/2025 Mỹ Latinh: 'Chiến trường' mới giữa Mỹ và Trung Quốc
23/05/2025 Kinh tế Anh "lột xác" hậu Brexit
23/05/2025 Tiền tệ châu Á mạnh lên: Tín hiệu sáng cho lĩnh vực bất động sản?
23/05/2025 Thuế quan và rủi ro kinh tế: Góc nhìn từ các quan chức Fed
23/05/2025 Chính sách thuế của Mỹ gây ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp xuất khẩu
23/05/2025 Thị trường tài sản số Hàn Quốc tăng trưởng bùng nổ