Nguy cơ sảy chân của kinh tế Mỹ do tác động của thuế quan

Vietnam+ - 2025/05/23 14:02:48


Nỗi lo về giá cả tăng do thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump từng khiến người tiêu dùng nước này đẩy mạnh chi tiêu hồi đầu năm 2025.

Người dân mua sắm tại siêu thị ở San Mateo, California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Tuy nhiên, xu hướng này đang dần chững lại, làm dấy lên lo ngại về khả năng nền kinh tế Mỹ sẽ suy thoái vào năm 2025.

Dữ liệu từ bộ phận thẻ tín dụng của ngân hàng Bank of America cho thấy chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 5/2025 không tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 4/2025 chỉ tăng 0,1%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 1,7% của tháng 3/2025. Ngân hàng này cho biết người dùng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ bắt đầu giảm tốc độ chi tiêu từ cuối tháng Tư.

Tốc độ tăng trưởng chi tiêu qua thẻ đã giảm từ 1,1% trong tháng Ba xuống còn 1% vào cuối tháng Tư. Trong hai tuần đầu tháng 5/2025, mức chi tiêu gần như không đổi so với cùng kỳ năm trước.

Các chuyên gia kinh tế tại Bank of America nhận định rằng, với bối cảnh bất ổn kinh tế hiện nay do thuế quan và giá cả tăng theo, cần tiếp tục theo dõi sát phản ứng của người tiêu dùng. Họ cho rằng xu hướng mua sắm trước để tránh giá tăng vì thuế quan “gần như đã kết thúc”.

Các nhà phân tích cảnh báo rằng người tiêu dùng chi tiêu yếu đi có thể là “điểm nghẽn” lớn đối với nền kinh tế Mỹ trong thời gian tới. Chi tiêu tiêu dùng chiếm hơn 2/3 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và từng đóng vai trò trụ cột giúp duy trì tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong những năm gần đây.

Ông Torsten Sløk, kinh tế trưởng tại công ty quản lý tài sản Apollo Global Management, xếp “chi tiêu tiêu dùng yếu” vào danh sách 10 rủi ro hàng đầu đe dọa triển vọng kinh tế Mỹ. Ông cảnh báo rằng giá cả cao hơn có thể buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ lãi suất cao lâu hơn để kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, theo ông, nếu tăng trưởng suy yếu – điều đang được nhiều chuyên gia đồng thuận – kinh tế Mỹ sẽ phải đối mặt với kịch bản đình lạm, đề cập đến tình huống kinh tế trì trệ trong khi lạm phát vẫn ở mức cao.

Ba chỉ báo về kỳ vọng tiêu dùng của Mỹ– bao gồm kỳ vọng kinh tế, lạm phát và thất nghiệp – đều đang xấu đi nhanh chóng, và nếu người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, GDP nước này có thể bị kéo giảm mạnh. Ông ước tính chỉ riêng sự suy giảm trong kỳ vọng tiêu dùng thời gian gần đây có thể khiến tăng trưởng GDP thực của Mỹ giảm từ khoảng 3% xuống gần như bằng 0.

Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng bắt đầu chuẩn bị cho kịch bản nhu cầu tiêu dùng giảm và đang hạn chế tuyển dụng. Tổ chức nghiên cứu Pantheon Macroeconomics cho biết họ nhận thấy các doanh nghiệp ngày càng thận trọng hơn, thể hiện qua kết quả các cuộc khảo sát khu vực của Fed và số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp duy trì ở mức cao trong tuần qua.

Một số tổ chức dự báo đã điều chỉnh nhận định sau khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung dịu xuống. Ngân hàng Goldman Sachs đã hạ dự báo khả năng suy thoái trong 12 tháng tới từ 45% xuống 35%. JPMorgan cũng đánh giá nguy cơ suy thoái của Mỹ đã giảm xuống dưới 50%, nhưng vẫn ở mức cao.

Tổ chức nghiên cứu Chief Executive tháng 4/2025 công bố kết quả khảo sát cho thấy ngày càng có nhiều giám đốc điều hành (CEO) hàng đầu của Mỹ dự báo nền kinh tế nước này sẽ rơi vào suy thoái trong tương lai gần. Theo Chief Executive, trong số hơn 300 CEO được khảo sát trong tháng 4/2025, có tới 62% dự đoán một cuộc suy thoái hoặc tình trạng kinh tế đi xuống khác sẽ diễn ra trong vòng sáu tháng tới. Con số này tăng đáng kể so với mức 48% trong cuộc khảo sát tháng 3/2025.

Dữ liệu kinh tế gần đây cho thấy một xu hướng rõ ràng: nhiều công ty đang chuyển gánh nặng thuế quan sang người tiêu dùng. Theo khảo sát của công ty kiểm toán EY với hơn 4.000 lãnh đạo doanh nghiệp, khoảng 2/3 cho biết họ có thể sẽ tăng giá để bù chi phí thuế. Một cuộc khảo sát khác tại bang Texas (Mỹ) cho thấy 76% doanh nghiệp sản xuất tại đây cũng lên kế hoạch tăng giá bán. Ông David Loftus, Giám đốc Hiệp hội Linh kiện điện tử Mỹ, giải thích: “Không ai có đủ lợi nhuận để gánh mức thuế mới. Nhà sản xuất sẽ đẩy chi phí cho nhà phân phối, và cuối cùng là đến tay người tiêu dùng”.

Không chỉ là lời cảnh báo, một số công ty như Stanley Black & Decker hay Procter & Gamble (P&G) đã thực hiện tăng giá trong quý II năm nay. P&G - hãng sản xuất các thương hiệu hàng tiêu dùng quen thuộc như Tide và Old Spice - cho biết việc tăng giá là “khó tránh khỏi” do bất ổn chính sách. Hãng thời trang thể thao Đức Adidas cũng khẳng định nếu duy trì mức thuế cao, giá sản phẩm của họ tại Mỹ sẽ tăng.

Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 4/2025 chỉ tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2024, giảm nhẹ so với mức 2,4% hồi tháng 3/2025, song các chuyên gia cảnh báo áp lực giá cả sẽ lớn dần. Goldman Sachs dự đoán lạm phát lõi (tính theo chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân - PCE) sẽ tăng lên 3,8% vào cuối năm, so với mức 2,8% trong tháng 4/2025.

Ngành điện tử và thời trang được dự báo sẽ chịu tác động mạnh nhất. Điều này đặc biệt đáng lo khi tầng lớp thu nhập thấp và trung bình - nhóm vốn phụ thuộc vào các mặt hàng giá rẻ từ châu Á - sẽ là đối tượng chịu thiệt lớn nhất. Một nghiên cứu từ Trung tâm Tiến bộ Mỹ (CAP) ước tính thuế quan có thể khiến mỗi hộ gia đình Mỹ mất thêm 5.200 USD mỗi năm.

Trong khi đó, tập đoàn sản xuất ô tô Stellantis - chủ sở hữu các thương hiệu Jeep và Dodge - đầu tháng 5/2025 cho biết họ không thể tiếp tục đưa ra dự báo tăng trưởng lợi nhuận trong năm nay, do quá khó để đánh giá tác động từ các chính sách thuế “đang thay đổi”. Trước đó, General Motors cũng tuyên bố từ bỏ dự báo lợi nhuận tăng trong năm 2025 vì chưa tính đến ảnh hưởng từ thuế. Tập đoàn chế tạo ô tô Mercedes-Benz (Đức) cũng đưa ra quyết định tương tự.

Các hãng hàng không như American Airlines, Delta, Southwest và Alaska Air cũng đã rút lại dự báo cho cả năm, phản ánh áp lực kinh tế gia tăng. CEO Delta Air Lines Ed Bastian cảnh báo nền kinh tế Mỹ có nguy cơ rơi vào suy thoái và tăng trưởng của hãng hầu như đã đình trệ.

Minh Trang (TTXVN)

Link gốc

Các tin liên quan