Thời báo kinh doanh - 2025/07/03 9:11:30
Trước làn sóng thông tin về việc 5 huyện ngoại thành Hà Nội sắp được nâng cấp thành quận, không ít nhà đầu tư đã đổ tiền gom đất với kỳ vọng “một vốn bốn lời”. Tuy nhiên, việc sắp xếp lại địa giới hành chính khiến giấc mơ “đất hóa vàng” vụt tắt trong chớp mắt.
Tháng 8/2024, anh Trần Quốc Minh (Hà Nội) quyết định xuống tiền mua một lô đất 60m² tại xã Vân Canh, huyện Hoài Đức (nay thuộc xã Sơn Đồng) với giá 7,5 tỷ đồng – tương đương 125 triệu đồng/m². Đây là mức giá cao hơn mặt bằng chung thời điểm đó.
Tan mộng “đất vàng”
Dưới sự tư vấn nhiệt tình của một môi giới tự nhận là “thổ địa” tại địa phương, anh Minh tin rằng: "Sang năm 2025, Hà Nội chính thức công bố Hoài Đức lên quận, giá đất chắc chắn chạm mốc 150 triệu đồng/m². Giữ vài tháng là có ngay vài tỷ tiền lời".
Với tâm lý "đón sóng", anh Minh đầu tư toàn bộ số tiền tích cóp cùng khoản vay từ ngân hàng, hy vọng lướt sóng thành công. Thế nhưng, bước sang năm 2025, thay vì có quyết định chính thức nâng cấp Hoài Đức thành quận, thành phố thực hiện đề án tổ chức lại đơn vị hành chính, bỏ cấp huyện và quận, chuyển sang mô hình hai cấp là thành phố và phường, xã.
Cú chuyển hướng này khiến anh Minh như ngã gục. Không còn thông tin "lên quận", lô đất của anh – từng được coi là nằm trong “tâm điểm tăng giá” – giờ rơi vào tình cảnh khó bán.
Không ít nhà đầu tư đang "vỡ mộng" khi mua đất nền đón sóng quy hoạch lên quận (Ảnh minh họa: HN).
“Tôi rao bán cắt lỗ nửa tỷ mà chẳng ai hỏi. Đất lại không còn thuộc khu trung tâm hành chính mới vì xã Vân Canh giờ đã sáp nhập cùng các xã lân cận thành xã Sơn Đồng, khu vực không được đánh giá cao về tiềm năng thương mại”, anh Minh thổ lộ với VnBusiness.
Câu chuyện của anh Minh không phải là cá biệt. Anh Lê Văn Toàn (Phú Diễn, Hà Nội) cũng chung tâm trạng nặng trĩu. Năm ngoái, sau khi bán căn nhà 30m² tại Mỹ Đình, anh thu về hơn 3 tỷ đồng.
Không chần chừ, anh vay thêm 4,2 tỷ đồng, tổng cộng 7,2 tỷ, để mua một lô đất 60m² tại xã La Phù (nay thuộc phường Dương Nội), với kỳ vọng đây sẽ là “cửa ngõ lên quận”. “Tôi thuê nhà để ở, dành toàn bộ tiền đầu tư vào đất. Môi giới nói chắc nịch, đất khu này sẽ tăng mạnh khi Hoài Đức lên quận đầu 2025”, anh Toàn kể lại.
Thế nhưng, thay vì “trúng lớn”, anh Toàn giờ phải oằn lưng gánh nợ. “La Phù không những không lên quận, mà còn sáp nhập vào phường Dương Nội – một khu vực mới không có lợi thế gì nổi bật. Mỗi tháng tôi gánh hơn 50 triệu đồng cả gốc lẫn lãi, trong khi đất không bán nổi. Cảm giác như bị đẩy vào một canh bạc không lối thoát”, anh Toàn nghẹn lời.
Bài học đắt giá
Trên thực tế, từ năm 2023–2024, thông tin về việc Hà Nội sẽ đưa các huyện như Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Đan Phượng lên quận đã kích hoạt làn sóng đầu tư đất nền dữ dội.
Nhiều khu đất ven trung tâm xã, gần đường lớn, sát các khu quy hoạch hành chính được đẩy giá lên chóng mặt. Đất chưa kịp "lên đời", giá đã vượt xa khả năng của người mua ở thực.
Theo các chuyên gia bất động sản, việc điều chỉnh địa giới hành chính theo hướng bỏ cấp trung gian khiến toàn bộ kỳ vọng về cú hích hạ tầng – vốn là “đòn bẩy” giá đất – bị triệt tiêu.
Ông Nguyễn Duy Anh, Giám đốc một sàn giao dịch tại Hoài Đức (cũ) nhận định: “Thị trường hiện tại rất khó thanh khoản, nhất là những lô đất bị “thổi giá” dựa trên thông tin chưa chính thức. Việc xã sáp nhập, định danh lại vị trí hành chính khiến những “điểm nóng” đầu tư bỗng dưng thành vùng trũng”.
Không chỉ nhà đầu tư cá nhân, nhiều môi giới bất động sản cũng thừa nhận khó khăn khi thị trường “ngủ đông” và niềm tin nhà đầu tư bị lung lay. “Thời gian trước, đất Vân Canh, An Khánh, La Phù có giao dịch sôi động, nhưng giờ gần như không ai hỏi. Nhiều khách cắt lỗ vài trăm triệu vẫn không bán được”, một môi giới tại Hà Nội chia sẻ.
Ở góc nhìn chuyên gia, ông Nguyễn Văn Quê, Chủ tịch G6 Group, thẳng thắn chỉ ra một thực tế rằng khi còn giữ nguyên mô hình hành chính cấp huyện, việc nâng cấp lên quận sẽ bao phủ toàn địa bàn huyện, tạo hiệu ứng rộng lớn hơn.
Ngược lại, khi tổ chức lại theo hướng sáp nhập xã và bỏ cấp trung gian (quận, huyện), quá trình nâng cấp sẽ không đồng đều. Những xã trung tâm, đáp ứng đủ tiêu chí sẽ được ưu tiên nâng cấp trước. Ngược lại, các xã nằm xa trung tâm sẽ phải chờ đợi lâu hơn. Đặc biệt, hiện chưa có thông tin chính thức nào về việc nâng cấp các xã của Thủ đô lên phường.
Dù vậy, ở góc nhìn tích cực hơn, Chủ tịch G6 Group cho rằng việc thay đổi mô hình hành chính không đồng nghĩa với việc chặn đứng tiềm năng phát triển. "Nếu không còn nâng cấp toàn huyện lên quận, thì các xã hoàn toàn có thể được xét nâng cấp lên phường. Thậm chí, có những xã hội tụ đủ điều kiện sẽ lên phường nhanh hơn kỳ vọng", ông Quê nhận định, đồng thời khuyến nghị nhà đầu tư nên điều chỉnh chiến lược, mở rộng tầm nhìn trung – dài hạn để đón đầu xu hướng phát triển mới.
Trong khi đó, một chuyên gia khuyến nghị nếu không thể đi đường dài, trước sau gì cũng phải giảm, vậy nên thay vì rót thêm tiền để gồng lỗ, các nhà đầu tư bị ngộp nên mạnh tay giảm sâu hơn để thoát được hàng. Việc gồng quá sức chỉ khiến thiệt hại càng lớn hơn.
Các tin liên quan
03/07/2025 Cắt lỗ tiền tỷ vì vỡ mộng 'ôm' đất nền đón sóng lên quận
02/07/2025 Siết quản lý cho thuê chung cư ngắn hạn: Cơ hội cho người mua ở thực
02/07/2025 Bao giờ người mua nhà ở xã hội thoát cảnh xếp hàng chỉ để… ‘lấy số’?
01/07/2025 M&A bất động sản nửa đầu năm: ‘Nổ’ nhiều thương vụ lớn, khối nội dẫn dắt thị trường
01/07/2025 Bất động sản công nghiệp trước ‘cơ hội vàng’ sau sáp nhập tỉnh thành
30/06/2025 Tín dụng chảy mạnh vào bất động sản, nên vui hay buồn?
30/06/2025 Quan trọng: Thủ tục đất đai thực hiện thế nào từ ngày 1/7?
30/06/2025 Giải pháp nào để ổn định thị trường bất động sản?
30/06/2025 Giá đất vùng ven vẫn liên tục lập đỉnh bất chấp giao dịch nhỏ giọt
27/06/2025 Đà Nẵng sắp có thêm hơn 800 căn nhà ở xã hội