Thời báo kinh doanh - 17/04/2025 9:16:40 AM
Giá vàng thế giới hôm nay (17/4) tiếp đà tăng phi mã, lập kỷ lục mới, bỏ xa mốc 3.000 USD/ounce. Trong nước, giá vàng ghi nhận mức tăng kỷ lục, cao nhất 8 triệu đồng/lượng, tiếp tục đưa giá vàng miếng và vàng nhẫn đắt chưa từng có.
Trên thị trường thế giới, khoảng 6 giờ ngày 17/4 (giờ Việt Nam), trên Kitco, giá vàng giao ngay ở mức 3.351,59 USD/ounce, tăng 129,32 USD/ounce (+4,01%). Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 3.346,4 USD/ounce, tăng 106 USD.
Giá vàng thế giới tiếp đà tăng phi mã, lập kỷ lục mới, bỏ xa mốc 3.000 USD/ounce, nhờ tiếp tục được hỗ trợ bởi sự suy yếu của đồng USD và lực cầu trú ẩn an toàn do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang.
Giá vàng trong nước đắt chưa từng có.
Theo quan điểm của Chiến lược gia hàng hóa cấp cao tại Bloomberg Intelligence Mike McGlone, đợt tăng giá vượt qua mức 3.200 USD/ounce của vàng thế giới có thể chỉ là khởi đầu của một động thái lớn hơn nhiều, có khả năng hướng tới mốc 4.000 USD, khi các nơi trú ẩn an toàn truyền thống bị phá vỡ, Bitcoin chao đảo và thị trường chứng khoán Mỹ dao động ở mức định giá cực đoan trong lịch sử.
Chuyên gia phân tích nghiên cứu cấp cao Lukman Otunuga của FXTM nhận xét, vàng vẫn đang được hỗ trợ mạnh mẽ bởi sự sụt giảm của đồng USD, sự không chắc chắn xung quanh các thông báo về thuế quan và lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu.
Otunuga nhấn mạnh, việc vàng vượt qua ngưỡng 3.300 USD/ounce nghĩa là kim loại quý này đạt mức tâm lý. Những người đầu cơ giá có thể nhắm tới mức 3.400 USD/ounce, 3.500 USD/ounce và cao hơn nữa. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng, một đợt chốt lời hoặc diễn biến tích cực trong thương mại Mỹ-Trung có thể gây ra đợt bán tháo.
Tương tự, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa Ole Hansen của Saxo Bank cho rằng: đợt tăng giá của vàng đã trở nên hơi mất kiểm soát, khiến nó có nguy cơ điều chỉnh. Tuy nhiên, trong hơn một năm nay, chúng tôi đã thấy các đợt điều chỉnh diễn ra chưa mạnh.
Trong nước, giá vàng miếng tiếp tục tăng sốc kỷ lục tới 7,5 triệu đồng, các thương hiệu niêm yết ở mức 113 - 115,5 triệu đồng/lượng. Riêng Bảo Tín Minh Châu đang mua vào thấp hơn 500.000 đồng so với các thương hiệu khác; Phú Quý đang mua vào thấp hơn 1,5 triệu đồng.
Tương tự, giá vàng nhẫn các thương hiệu cũng tăng đột biến, cao nhất 8 triệu đồng. Cụ thể, VBĐQ Sài Gòn tăng 7,5 triệu đồng cả giá mua và bán lên 110,5 - 113,5 triệu đồng/lượng; DOJI điều chỉnh tăng thêm 7,3 triệu đồng chiều mua và 7 triệu đồng chiều bán lên 110,5 - 113,5 triệu đồng/lượng; PNJ niêm yết ở mức 110,5 - 113,6 triệu đồng/lượng, tăng 7,7 triệu đồng giá mua và 7,6 triệu đồng giá bán; Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức 112 - 115 triệu đồng/lượng, tăng 7,9 triệu đồng chiều mua và 8 triệu đồng chiều bán; Phú Quý mua bán ở mức 110,2 - 113,2 triệu đồng/lượng, tăng lần lượt 6,8 triệu đồng và 6,5 triệu đồng.
Giới phân tích nhận định, trong bối cảnh nhu cầu trong nước chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, cộng với tâm lý tích trữ vàng gia tăng khi giá thế giới vẫn trong xu hướng đi lên, giá vàng trong nước có thể tiếp tục leo cao trong những ngày tới. Việc thị trường trong nước thiếu hụt nguồn cung, trong khi lượng cầu vẫn tăng mạnh là yếu tố chủ đạo định hình xu hướng giá vàng ngắn hạn hiện tại.
Thực tế cho thấy, giá vàng trong nước không chỉ trong xu hướng tăng, ngoài tác động từ giá vàng thế giới còn do nguồn cung khan hiếm. Tâm lý mua trữ vàng của người Việt cũng góp phần đẩy giá vàng lên cao hơn rất nhiều. Nhiều doanh nghiệp nhỏ lẻ cho biết đã hết vàng để bán, hoặc chỉ bán với số lượng giới hạn. Trong khi đó, nhu cầu bán ra của người dân không nhiều. Lực cung cạn kiệt trong khi lực cầu vẫn duy trì cao, khiến giá vàng bị đẩy lên mạnh mẽ.
Dù đã dự báo được cơn tăng của giá vàng, nhưng nhiều người vẫn bất ngờ xen lẫn tiếc nuối vì tốc độ phi mã của kim loại quý này. Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng miếng SJC tăng khoảng 25 triệu đồng/lượng. Đây là mức tăng mạnh nhất trong vòng 10 năm qua. Nhà đầu tư mua vàng từ đầu năm có thể ghi nhận hiệu suất sinh lời hơn 25% tính đến thời điểm này.
Theo ông Nguyễn Quang Huy, chuyên gia tài chính, Đại học Nguyễn Trãi, nguồn cung vàng SJC đang khan hiếm, trong khi nhu cầu mua vào tăng nhanh. Chênh lệch giá vàng trong nước - thế giới tăng mạnh phản ánh cung cầu lệch pha rõ rệt. Tâm lý “FOMO” (sợ bỏ lỡ cơ hội) khiến nhiều người đổ xô đi mua vàng trong giai đoạn giá tăng mạnh, vô tình tiếp sức thêm cho làn sóng tăng giá.
“Thị trường vàng không bao giờ đi theo đường thẳng. Giá có thể tăng rất mạnh trong ngắn hạn, nhưng cũng dễ dàng điều chỉnh khi có những yếu tố sau: Tâm lý thị trường thay đổi, chính sách điều hành có can thiệp để ổn định giá, lực bán chốt lời tăng cao từ các tổ chức tài chính quốc tế. Do đó, người dân cần bình tĩnh, quan sát kỹ diễn biến thị trường và không chạy theo tâm lý đám đông”, ông Huy phân tích.
Các tin liên quan
23/04/2025 Vàng miếng chạm mức kỷ lục mới 124 triệu đồng/lượng
23/04/2025 90 ngày chạy đua đàm phán thuế: Kỳ vọng mức thuế nào cho Việt Nam?
22/04/2025 Tư duy chủ động với tiền
22/04/2025 Giá vàng chiều 22/4 lập đỉnh mới, cảnh báo cẩn trọng trong giao dịch
22/04/2025 Lãi suất huy động giảm, ngân hàng xoay xở hút vốn
22/04/2025 Đồng USD giảm xuống mức thấp nhất trong ba năm do quan ngại về Fed
22/04/2025 Tương lai của đồng bạc xanh
22/04/2025 Ngân hàng đồng loạt báo lãi lớn trong quý I/2025
22/04/2025 Mỹ áp thuế đối ứng: FED gồng mình và chiến lược 'cân đo đong đếm' của NHNN
22/04/2025 Giá vàng trong nước có 'cú nhảy ngoạn mục' với mức tăng tới 4 triệu đồng