Vietnam+ - 03/06/2025 4:32:13 PM
Hà Nội đang bước vào giai đoạn nước rút của kế hoạch đầu tư công năm 2025, thành phố tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để thúc đẩy giải ngân vốn ngân sách Nhà nước, đặc biệt là tại các dự án trọng điểm.
Sáng 19/5/2025, tại huyện Đông Anh, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu. Ảnh: Quốc Khánh-TTXVN
Nhiều công trình lớn trên địa bàn đang được đẩy nhanh thi công, thể hiện tinh thần thi đua về tiến độ. Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy không ít dự án vẫn đứng trước nguy cơ chậm tiến độ do nhiều vướng mắc chồng chéo.
Tính riêng tháng 5, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý đạt 6.329 tỷ đồng, tăng 10,3% so với tháng trước và tăng tới 36,4% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, vốn cấp thành phố đạt gần 2.947 tỷ đồng, vốn cấp huyện và xã lần lượt là 3.094 tỷ đồng và 288 tỷ đồng. Lũy kế 5 tháng đầu năm, Hà Nội đã giải ngân được 26.300 tỷ đồng, tương đương 25,1% kế hoạch năm và tăng mạnh 41% so với cùng kỳ năm trước.
Các dự án trọng điểm như cầu Tứ Liên, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục, cải tạo Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai hay tuyến cao tốc nối Đại lộ Thăng Long - Quốc lộ 21 đều đã triển khai thi công với nhịp độ cao. Đơn cử, dự án Vành đai 1 đã giải ngân hơn 51% kế hoạch vốn, cầu Tứ Liên được khởi công đúng tiến độ với quy mô đầu tư gần 20.200 tỷ đồng. Dự án xử lý nước thải Yên Xá cũng đang bước vào giai đoạn vận hành thử, thể hiện quyết tâm của thành phố trong đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Dù đạt kết quả tích cực, Hà Nội cũng đang đối diện với một thực trạng không thể chủ quan như tiến độ thi công và giải ngân tại nhiều công trình vẫn chậm so với yêu cầu. Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô mới giải ngân 16,4% kế hoạch vốn, tuyến Quốc lộ 6 mới đạt 19,6%, còn tuyến nối Đại lộ Thăng Long mới giải ngân gần 30%. Những con số này cho thấy áp lực lớn trong những tháng còn lại của năm 2025 nếu không có những giải pháp quyết liệt và hiệu quả hơn.
Nguyên nhân của tình trạng chậm tiến độ được xác định chủ yếu do khó khăn trong giải phóng mặt bằng, sự biến động giá vật liệu xây dựng, thiếu hụt tài nguyên tại các mỏ khai thác, cùng với vướng mắc trong tái định cư cho người dân. Một số dự án gặp trở ngại về thủ tục, kéo dài thời gian phê duyệt và điều chỉnh hồ sơ kỹ thuật, dẫn đến chậm triển khai gói thầu.
Trước thực trạng này, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành và địa phương tăng cường quản lý đầu tư công, đẩy mạnh giải ngân đi đôi với kiểm soát chất lượng, phòng ngừa lãng phí, thất thoát. Thành phố cũng thúc đẩy cơ chế phối hợp liên ngành để kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn về mặt bằng và thủ tục. Bên cạnh đó, Hà Nội tiếp tục kiến nghị Trung ương hỗ trợ về thể chế, đồng thời mở rộng phân cấp, phân quyền để các quận, huyện chủ động xử lý khâu liên quan đến địa phương.
Trong những tháng cuối năm, Hà Nội đặt mục tiêu giải ngân đạt tối thiểu 95% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025. Đây không chỉ là nhiệm vụ tài chính mà còn là đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện hạ tầng và nâng cao chất lượng sống cho người dân Thủ đô. Muốn vậy, đòi hỏi sự quyết liệt, đồng bộ và linh hoạt trong điều hành, triển khai, giám sát từ tất cả các cấp, ngành và đơn vị liên quan.
Các tin liên quan
08/07/2025 Chuyên gia chỉ ra động lực tăng trưởng quan trọng nhất cho 6 tháng cuối năm
08/07/2025 Ngân hàng UOB nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam lên 6,9%
08/07/2025 Giải 'bài toán' tăng trưởng sau sáp nhập
08/07/2025 Tranh thủ cơ hội thay đổi cục diện cạnh tranh cho hàng Việt xuất khẩu
07/07/2025 Nửa đầu năm Việt Nam đón gần 11 triệu lượt khách quốc tế
07/07/2025 BCM: 'Gã khổng lồ' nắm 4.700ha đất, vốn hóa 68.000 tỷ: Có gì khiến Chủ tịch Tp.HCM muốn 'nhân bản'?
05/07/2025 Chuyên gia nói gì về ô tô nhập Mỹ miễn thuế?
05/07/2025 Ninh Bình thành lập hai cụm công nghiệp với tổng vốn đầu tư hơn 1.650 tỷ đồng
05/07/2025 Kinh tế Lạng Sơn 6 tháng đầu năm 2025: Tăng trưởng ấn tượng 8,37%
05/07/2025 Trong bối cảnh thuế quan, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn dài hạn