Vietnam+ - 16/07/2025 2:00:33 CH
“Theo kế hoạch, Hà Nội chuẩn bị cấm xe máy xăng từ 7/2026, thị trường xe điện được dự báo sẽ “nóng” theo với nhu cầu tăng vọt. Xe máy điện, ô tô điện sẽ đua nhau chiếm lĩnh thị phần.
Theo Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành mới đây, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội triển khai lộ trình dừng lưu hành xe máy chạy xăng trong Vành đai 1 từ 1/7/2026. Đây là bước đi mạnh mẽ trong chiến lược phát triển phương tiện giao thông thân thiện môi trường, đồng thời sẽ tạo tác động lớn tới thị trường xe điện Việt Nam – đặc biệt ở hai phân khúc chủ lực là xe máy điện và ô tô điện.
Nhu cầu xe máy điện sẽ tăng mạnh
Ngay sau khi Chỉ thị được công bố, thị trường xe máy điện tại Hà Nội đã có những biến động tích cực. Theo ghi nhận từ các đại lý, lượt tư vấn và đặt cọc xe điện trong những ngày gần đây tăng gấp đôi so với thường lệ trước đó. Các mẫu xe điện phổ thông như VinFast Evo200, Yadea G5 Lite, Selex Motors One hay Dat Bike Weaver++ được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm nhờ mức giá dễ tiếp cận và chi phí vận hành thấp.
Xe máy điện VinFast Evo200 có nhiều lựa chọn về màu sắc. Ảnh: Văn Xuyên/BNEWS/TTXVN
Tuy nhiên, thị trường tăng trưởng nhanh cũng đặt ra những thách thức đáng kể. Hạ tầng trạm sạc và trạm đổi pin còn thiếu, đặc biệt tại các khu chung cư cũ và vùng đông dân cư. Bên cạnh đó, thiếu chuẩn hóa về pin, cổng sạc và dịch vụ hậu mãi khiến người dùng gặp khó trong việc lựa chọn xe và bảo trì sau khi mua.
Bên cạnh thiết bị sạc theo xe để sạc tại nhà, toàn thị trường xe điện hiện nay mới chỉ VinFast đầu tư trạm sạc rộng rãi không chỉ ở Hà Nội mà còn khắp cả tỉnh thành trong cả nước tại siêu thị, trạm xăng, trung tâm thương mại…, nhưng quy mô vẫn chưa theo kịp tốc độ tiêu thụ phương tiện.
Khách hàng quan tâm đến sản phẩm của Dat Bike trong ngày đầu ra mắt
Các sản phẩm xe máy điện khác như của Yadea, Pega, Dat Bike và mới đây là Yamaha và Honda đều sạc bằng nguồn điện dân dụng tại nhà hoặc nơi công cộng. Các chuyên gia cảnh báo nếu không đầu tư đồng bộ về hạ tầng sạc, sự phát triển nóng của xe máy điện có thể gặp nút thắt lớn trong tương lai gần.
Ô tô điện sẽ tăng tốc thị phần và tạo cạnh tranh lớn
Trong khi đó, phân khúc ô tô điện tại Việt Nam cũng ghi nhận bước tăng trưởng đáng kể. Tính đến giữa năm 2025, thị trường đã có khoảng hơn 30 mẫu xe điện phân phối chính hãng, trải đều từ phân khúc giá rẻ từ 199 triệu đồng đến xe cao cấp trị giá hàng tỷ đồng, đáp ứng đa dạng nhu cầu của người tiêu dùng, đồng thời sẽ tạo áp lực cạnh tranh ngày càng lớn.
Dải sản phẩm ô tô thuần điện của VinFast. Ảnh: Văn Xuyên/BNEWS/TTXVN
Bên cạnh hãng nội địa VinFast, thị trường còn có sự góp mặt của các thương hiệu như BYD, Wuling, Hyundai, MG, KIA, và gần đây là Carfe với hai mẫu xe mới Bestune Pony và Bestune E05. Các dòng xe sang như Mercedes-EQ, Audi e-tron, Q8 e-tron hay Maybach EQS 680 SUV đang từng bước định hình phân khúc hạng sang của xe điện tại Việt Nam, nhưng lượng trạm sạc còn khá khiêm tốn.
Mẫu SUV thuần điện đầu tiên Mercedes-Maybach EQS 680 ra mắt thị trường Việt Nam với giá niêm yết 7,610 tỷ đồng. Ảnh: Văn Xuyên/BNEWS/TTXVN
Đặc biệt, để tạo điều kiện cho người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận hơn với xe điện, VinFast tổ chức sự kiện "Đổi xăng lấy điện". Qua đó, người dân có thể bán lại xe xăng, dầu cũ và nhận ưu đãi từ VinFast khi mua ô tô điện đã và đang tạo hiệu ứng tích cực. Theo số liệu mới nhất, trong 6 tháng đầu năm 2025, VinFast đã bàn giao 67.569 xe điện, tăng hơn 210% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài VinFast, các hãng xe khác không công bố doanh số bán xe điện của mình...
Mẫu xe điện Bestune Pony mini giá rẻ, chưa đến 200 triệu đồng. Ảnh: Văn Xuyên/BNEWS/TTXVN
Các chuyên gia trong ngành nhận định, giai đoạn 2025–2026 sẽ là thời điểm bùng nổ nhu cầu xe điện tại Hà Nội và sau đó sẽ là Thành phố Hồ Chí Minh, khi lộ trình cấm xe xăng dần siết chặt theo Chỉ thị 20. Chỉ thị này được đánh giá là bước chuyển mang tính đột phá, đánh dấu cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc xây dựng giao thông xanh, phát thải thấp.
Cơ hội lớn nhưng cần chuẩn bị kỹ lưỡng
Tuy nhiên, để đảm bảo tăng trưởng bền vững và hiện thực hóa mục tiêu trên, cần sự vào cuộc đồng bộ từ nhiều phía. Chuyên gia ô tô xe máy Thế Đạt cho rằng, các bộ ngành liên quan cần ban hành thêm quy chuẩn kỹ thuật cho xe điện, cơ chế thu hồi xe máy xăng cũ, hỗ trợ doanh nghiệp lắp ráp nội địa và phát triển linh kiện trong nước.
Hệ thống trạm sạc ô tô điện VinFast của Công ty Cổ phần Phát triển Trạm sạc Toàn cầu V-Green
Đồng thời nhà nước và doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện, hay các chương trình đổi xe như “Đổi xăng lấy điện” của VinFast là một hướng đi hợp lý để kích cầu xe điện, đồng thời xử lý lượng xe xăng cũ, tránh gây xáo trộn xã hội.
Bên cạnh đó, chuyên gia Nguyễn Minh Đồng, người từng làm việc tại Tập đoàn Volkswagen cũng cảnh báo hệ thống điện hiện tại chưa đủ sức đáp ứng nhu cầu nếu hàng triệu xe điện cùng sạc. Không chỉ lo về quá tải điện, mà còn phải kiểm soát rủi ro cháy nổ trong khu dân cư, đặc biệt tại chung cư, nhà trọ. Hạ tầng đi kèm là điều kiện tiên quyết. Cùng với đó, việc đầu tư xe điện cần đi kèm cải cách cơ cấu nguồn điện – từ nhiệt điện sang điện tái tạo thì mới thực sự giúp giảm phát thải.
Còn theo Honda Việt Nam, việc chuyển đổi sang phương tiện thân thiện với môi trường trong khu vực nội đô, đặc biệt là những khu vực đông dân cư như Vành đai 1 tại Hà Nội, đặt ra nhiều thách thức không nhỏ. Một lượng lớn phương tiện sử dụng động cơ đốt trong đang lưu hành sẽ cần được thay thế trong thời gian ngắn, gây áp lực lớn về mặt tài chính và logistic. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho phương tiện mới vẫn chưa đáp ứng đủ, đặc biệt là hệ thống trạm sạc, trong khi lo ngại về an toàn phòng cháy chữa cháy, nhất là tại các khu nhà ở cũ, vẫn còn hiện hữu.
Sẽ xuất hiện "làn sóng" thanh lý xe xăng
Theo chuyên gia Thế Đạt, khi lộ trình cấm xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại Hà Nội được triển khai, đặc biệt trong khu vực Vành đai 1 từ tháng 7/2026, thị trường sẽ chứng kiến làn sóng thanh lý xe xăng cũ diễn ra trên diện rộng. Người dân sẽ có xu hướng bán xe sớm để tránh bị mất giá khi phương tiện không còn được phép lưu thông.
Một số chương trình như “Đổi xăng lấy điện” của VinFast đang được đánh giá là hướng đi hợp lý, vừa kích cầu xe điện, vừa hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện theo đúng tinh thần Chỉ thị 20/CT-TTg. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: hàng triệu xe xăng bị thanh lý sẽ được xử lý ra sao?
Theo ông Thế Đạt, các phương án xử lý sẽ theo ba xu hướng chính. Thứ nhất, xe cũ sẽ chuyển về các khu vực chưa bị cấm như ngoại thành hoặc các tỉnh thành chưa áp dụng chính sách hạn chế xe xăng. Đây sẽ là “bãi đáp” trung gian trong giai đoạn từ 2025 đến 2028.
Thứ hai, xe có thể bán lại cho thị trường thứ cấp, bao gồm cả trong nước và các thị trường lân cận như Lào, Campuchia – nơi vẫn còn sử dụng phổ biến xe máy xăng và có nhu cầu xe giá rẻ.
Ô tô đã qua sử dụng tại Showroom C3 Auto. Ảnh: BNEWS/TTXVN phát
Thứ ba, một phần không nhỏ các xe xăng hết niên hạn sẽ được đưa vào tái chế, tháo linh kiện hoặc tái sử dụng vật liệu. Tuy nhiên, để quá trình này đạt hiệu quả và không gây ô nhiễm thứ cấp, chuyên gia cho rằng Nhà nước cần xây dựng hệ thống thu hồi – tái chế chuyên nghiệp đi kèm với chính sách kiểm soát môi trường chặt chẽ.
Ngoài ra, xe xăng cũ còn có thể được chuyển đổi công năng, sử dụng làm phương tiện vận chuyển nội khu trong các khu công nghiệp hoặc nông trại, góp phần tận dụng nốt vòng đời phương tiện trước khi loại bỏ hoàn toàn.
Các tin liên quan
16/07/2025 “Siết” xe xăng, thị trường xe điện sẽ bật tăng
16/07/2025 “Siết” xe xăng, thị trường xe điện sẽ bật tăng
16/07/2025 Thủ tướng: Cả nước cần đạt mức tăng trưởng năm 2025 khoảng 8,3 - 8,5%
16/07/2025 VPI dự báo giá xăng giảm nhẹ trong kỳ điều hành ngày mai 17/7
14/07/2025 Đảm bảo nguồn cung than cho các nhà máy nhiệt điện trong EVN 6 tháng cuối năm
14/07/2025 Vì sao Việt Nam là điểm đến ưa thích hàng đầu của người Australia?
14/07/2025 Ngành logistics đang đứng trước 'ngã rẽ' chuyển đổi
14/07/2025 Việt Nam xây nền móng hạ tầng cho kỷ nguyên AI
11/07/2025 Xu hướng chuyển đổi tất yếu của ngành vận tải biển
11/07/2025 Huế tăng tốc phát triển công nghiệp, gỡ điểm nghẽn để thu hút đầu tư