Masan tìm lợi ích gì từ Bột giặt NET?

Thời báo kinh doanh - 26/12/2019 10:07:08 AM


CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) vừa công bố Masan HPC – công ty thành viên vừa được thành lập thuộc ngành hàng Chăm sóc cá nhân và gia đình – đã đưa ra đề nghị chào mua công khai đến 60% cổ phần của CTCP Bột giặt NET (NETCO, mã: NET) với giá 48.000 đồng/cp, tương đương định giá công ty ở mức 46 triệu USD, hệ số giá trên thu nhập (P/E) xấp xỉ 19.
 
Động thái lạ
 
Theo ông Trương Công Thắng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Masan Consumer, giao dịch này phụ thuộc vào các phê duyệt của cơ quan chức năng và quy định của công ty, dự kiến sẽ hoàn thành trong 2 tháng theo quy định chào mua.
 
Trước khi có thông báo của Masan Consumer, cổ phiếu NET đang giao dịch tại mức giá 39.000 đồng/cp, đồng nghĩa với việc giá chào mua của Masan Consumer cao hơn khoảng 26% so với giá thị trường.
 
Nhiều ý kiến cho rằng đây là một động thái khá lạ lùng, bởi Masan chỉ vừa mới tiếp nhận Vinmart và Vinmart + với quy mô nhân sự lên tới 25.000 người, gấp 2,5 lần tổng số lao động hiện hữu của Masan. Cộng với kinh nghiệm bán lẻ không có, việc tiếp nhận để vận hành hệ thống khác biệt hoàn toàn với hệ thống hiện hữu dường như là quá sức với tiềm lực về quản trị và tài chính của Masan.
 
Vingroup – vốn đang trên đường trở thành một doanh nghiệp (DN) sản xuất, công nghệ, việc rời bỏ mảng bán lẻ được xác nhận là rủi ro, có thể coi là phù hợp. Nhưng Masan – một DN sản xuất thuần túy – tiến vào mảng bán lẻ, lại là lựa chọn khiến các chuyên gia kinh tế thận trọng nhất cũng phải bất ngờ.
 
Lựa chọn ngược chiều của 2 DN hàng đầu Việt Nam rõ ràng làm thị trường mất phương hướng. Bằng chứng là ngay sau đó, cổ phiếu MSN rớt giá mạnh, vốn hóa thị trường giảm hàng nghìn tỷ đồng trong thời gian ngắn và hiện hồi phục rất chậm chạp.
 
Khi vừa tiếp nhận “gánh nặng” mang tên Vinmart và Vinmart +, Masan lại công bố muốn thâu tóm Bột giặt NET – một DN ngành sản xuất hóa mỹ phẩm có truyền thống hơn 60 năm.
 
Ngoài truyền thống lâu đời, NETCO không có gì nổi trội khi chỉ chiếm khoảng 1,5% thị phần trong ngành hàng chất tẩy rửa hiện nay. Đây là con số rất nhỏ so với Unilever chiếm 54,9% thị phần, Procter & Gamble 16,0%, Đại Việt Hương 11,6%, LIX 2,7% và Vico 2,4%.
 
Về kết quả kinh doanh, doanh thu thuần năm 2018 của Bột giặt NET là 1.117 tỷ đồng nhưng do giá vốn hàng bán tăng mạnh nên lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 57 tỷ đồng.
 
Nhiều câu hỏi vì sao đã được đặt ra, bởi chỉ trong chưa đầy một tháng, Masan đột ngột xuất hiện trong những ngành mà DN này rõ ràng là yếu thế, như bán lẻ và hóa chất.
 
Dấu hỏi lợi ích
 
Trước khi có ý định mua vào của Masan, nhiều cổ đông lớn của Bột giặt NET có động thái đồng loạt thoái vốn. Gần đây nhất là America LLC hoàn tất bán hơn 2 triệu cổ phiếu NET, tương đương 9,33% vốn công ty bằng phương thức thỏa thuận hôm 10/12. Tại mức giá 45.682 đồng/cp của phiên giao dịch này, ước tính America LLC thu về được 95,5 tỷ đồng.
 
Quỹ ngoại Jom Silkkitie Asia Equity Investment Fund cũng chính thức không còn là cổ đông lớn của NET khi đã bán ra 384.000 cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu tại công ty từ 5,29% (1,2 triệu cổ phiếu) xuống còn 3,57% (800.000 cổ phiếu).
 
Trước khi 2 cổ đông ngoại thoái vốn, cổ đông lớn nhất Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cũng đã giảm tỷ lệ nắm giữ từ 51% xuống 36% theo lộ trình thoái vốn nhà nước.
 
Được biết, NETCO là một trong số ít những DN mà Vinachem thoái vốn nhận được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư. Bởi mẫu số chung của nhóm DN này là đều được Vinachem mang ra đấu giá với mức giá cao “ngất ngưởng” trong khi hoạt động kinh doanh không có gì nổi bật, thậm chí sụt giảm.
 
Tuy nhiên, độ “hot” của cổ phần Bột giặt NET nằm ở những lô đất công ty đang quản lý, bao gồm 60.000m2 đất công nghiệp thuê 50 năm trả tiền hàng năm tại khu công nghiệp (KCN) Lộc An, Bình Dương, Đồng Nai – là văn phòng công ty; 21.196,6m2 đất côn nghiệp thuê 50 năm tại KCN Biên Hòa 1, tỉnh Đồng Nai; 2.045,5m2 đất thương mại dịch vụ thuê trả tiền hàng năm tại số 617-629 Bến Bình Bông, phường 13, quận 8, Tp.HCM; 1.549m2 đất thương mại dịch vụ tại số 617-629 Bến Bình Bông, phường 13, quận 8, Tp.HCM; 4.699m2 đất thương mại dịch vụ tại km số 1, đường Phan Trọng Tuệ, xã Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội.
 
Theo Masan, mục đích của việc thâu tóm NETCO là muốn dùng hệ thống bán lẻ hiện hữu để gia tăng diện phủ sản phẩm của công ty và gia tăng danh mục sản phẩm mà DN này gọi là “các sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình”.
 
Tuy nhiên, nhìn vào tỷ lệ phân chia thị phần trong ngành hàng chất tẩy rửa có thể thấy các hãng nước ngoài đã thâu tóm thành công thị trường Việt Nam. Sử dụng chất tẩy rửa nước ngoài đã trở thành thói quen của người Việt.
 
Sẽ là khá chủ quan khi đánh giá Masan đang toan tính gì tại thương vụ với Bột giặt NET. Đây có thể là đoạn “gạch nối” cho lựa chọn đột phá của Masan trong cuộc trường chinh giành lại thị trường cho hàng Việt?
 
Cần phải nhắc lại là thông điệp của thương vụ với Vingroup cũng là “giương cao ngọn cờ hàng Việt”, tuy nhiên bản chất của cuộc chuyển giao này được quyết định bởi các toan tính kinh tế cụ thể. Thế nhưng đã không có một thông điệp gì liên quan tới quy mô tài chính cuộc chuyển giao được công bố.
 
Linh Đan
 

Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.

Các tin liên quan