Vietnam+ - 17/04/2025 10:18:38 SA
Thuế quan khắc nghiệt từ chính quyền Trump không chỉ giáng đòn vào kinh tế toàn cầu mà còn vô tình thúc đẩy Trung Quốc và EU hợp tác chặt chẽ hơn.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) trong một cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (phải) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) năm 2023. Ảnh: THX
Chính sách thuế quan "bất thường" của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tạo ra những diễn biến khó lường trên bàn cờ kinh tế và địa chính trị toàn cầu. Bình luận với tờ Thời Báo Hàn Quốc (koreatimes.co.kr) ngày 16/4, Giáo sư kinh tế Nancy Qian tại Đại học Northwestern cho rằng, sự "vung tay quá trán" của Tổng thống Trump đã vô tình đẩy Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) xích lại gần nhau hơn, tạo ra một mối liên kết bất ngờ trước áp lực từ Mỹ.
"Cơn lốc" thuế quan của Tổng thống Trump
Giáo sư Qian phân tích, chính quyền Trump đã áp đặt mức thuế quan "cao nhất trong hơn một thế kỷ" đối với nhiều nền kinh tế trên thế giới. Đối với Trung Quốc, mức thuế quan "khủng khiếp" lên tới 245% đã được đưa ra, gây những tổn thất kinh tế nặng nề.
Phản ứng về vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm (Lin Jian) nói: “Cuộc chiến thuế quan là do Mỹ khơi mào. Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp đáp trả cần thiết nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, cũng như gìn giữ công bằng và công lý quốc tế – điều này hoàn toàn hợp lý và hợp pháp. Cuộc chiến thuế quan và thương mại không có người thắng. Trung Quốc không mong muốn chiến tranh thương mại, nhưng cũng không sợ điều đó”. Hiện Trung Quốc đang áp dụng mức thuế 125% đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ.
Chính quyền Trump kỳ vọng rằng Trung Quốc sẽ không thể chịu đựng được những tổn thất kinh tế từ việc cắt giảm mạnh thương mại với Mỹ. Tuy nhiên, theo Giáo sư Qian, chính sách thuế quan "bừa bãi" của chính quyền Trump đã mang lại cho Trung Quốc một "lợi thế chính trị quan trọng". Thay vì đổ lỗi cho các vấn đề trong nước, người dân Trung Quốc có xu hướng đổ lỗi cho "sự bắt nạt của Mỹ". Điều này đã tạo ra sự đoàn kết dân tộc và ủng hộ chính phủ Trung Quốc.
Không chỉ Trung Quốc, EU cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ chính sách thuế quan của Tổng thống Trump. Việc áp thuế 20% đối với hàng nhập khẩu từ EU đã khiến liên minh này công bố mức thuế trả đũa. Theo Giáo sư Qian, điều này đã đẩy EU và Trung Quốc vào "cùng một phe", tạo ra một liên minh bất ngờ.
Mặc dù EU có nhiều bất đồng với Trung Quốc, đặc biệt là về vấn đề xe điện và cuộc xung đột Nga - Ukraine, nhưng áp lực từ Mỹ đã tạo ra động lực mạnh mẽ để EU tăng cường quan hệ với Trung Quốc.
Cơ hội địa chính trị
Giáo sư Qian nhận định, cuộc chiến thương mại do Tổng thống Trump khởi xướng có thể là một "cơ hội địa chính trị" cho Trung Quốc và EU. Hai bên đều nhận thức rõ về lợi ích của việc tăng cường hợp tác.
Một thỏa thuận hợp tác giữa Trung Quốc và EU có thể mang lại lợi ích cho cả hai bên. Trung Quốc có thể tăng lượng hàng nhập khẩu từ châu Âu, chia sẻ công nghệ AI, pin EV và truyền tải điện. Điều này sẽ biến các khoản trợ cấp của chính phủ Trung Quốc trong các lĩnh vực này, mà người châu Âu coi là mang lại cho Trung Quốc lợi thế không công bằng, thành lợi ích cho các nhà sản xuất và người tiêu dùng châu Âu. Về phần mình, EU có thể thúc đẩy sự tham gia của Trung Quốc vào nhiều quy trình ra quyết định toàn cầu hơn - điều mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ lâu đã tìm kiếm.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức phía trước. Cuộc chiến Ukraine và tác động của hàng xuất khẩu Trung Quốc đối với các nhà sản xuất châu Âu là những vấn đề nan giải.
Mặc dù vậy, Giáo sư Qian cho rằng, nhu cầu bảo vệ nền kinh tế trước sự bất ổn từ Mỹ có thể thúc đẩy Trung Quốc và EU thỏa hiệp. Chuyến thăm gần đây của Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez tới Bắc Kinh và cuộc họp dự kiến với các nhà lãnh đạo EU do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì vào tháng 7 tới cho thấy rõ ràng rằng hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới nhận thức rõ về lợi ích của việc tăng cường hợp tác.
Giáo sư Qian kết luận, nếu hai bên theo đuổi thành công sự xích lại gần nhau, cuộc chiến thương mại có thể không hoàn toàn xấu đối với Trung Quốc và EU, đồng thời những gì trông giống như một cuộc khủng hoảng kinh tế cũng có thể là một cơ hội địa chính trị.
Vũ Thanh/Báo Tin tức
Các tin liên quan
22/04/2025 'Tác dụng' bất ngờ từ chính sách của thuế quan của Tổng thống Trump với châu Âu
22/04/2025 Chứng khoán châu Á diễn biến ngược chiều trước rủi ro chính sách tại Mỹ
22/04/2025 Giá dầu phục hồi nhẹ khi nỗi lo thuế quan còn dai dẳng
22/04/2025 Mệt mỏi vì bị công kích, tỷ phú Elon Musk sắp rút khỏi chính trường?
22/04/2025 Người tiêu dùng Mỹ lo ngại lạm phát khi giá hàng hóa tiếp tục tăng
22/04/2025 Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Trump giảm xuống còn 42%
22/04/2025 Ba sự thay đổi lớn trong mô hình phát triển của nước Mỹ
22/04/2025 Đàm phán Mỹ - Iran tiến triển, giá dầu giảm hơn 2%
22/04/2025 Tổng thống D. Trump gặp lãnh đạo các tập đoàn bán lẻ hàng đầu
22/04/2025 "Cú sốc thuế quan" đối với kinh tế Thái Lan