Lợi nhuận sụt giảm mạnh, ASM đẩy mạnh đầu tư vào mảng năng lượng
Diễn đàn doanh nghiệp - 15/05/2025 9:00:00 SA
Trong bối cảnh lợi nhuận quý đầu năm sụt giảm mạnh, ASM vẫn mạnh tay đầu tư vào mảng năng lượng thông qua việc góp vốn vào công ty điện gió mới thành lập.
Theo đó, Hội đồng Quản trị (HĐQT) Công ty CP Tập đoàn Sao Mai (HoSE: ASM) vừa có nghị quyết góp vốn vào Công ty CP Điện gió Sao Mai, một doanh nghiệp mới thành lập đầu năm 2025 tại An Giang. Tổng số tiền góp vốn là 7,5 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ 75% cổ phần của doanh nghiệp này.
Nếu kế hoạch này được hoàn tất, Công ty CP Điện gió Sao Mai sẽ trở thành công ty con của ASM, qua đó, nâng số lượng công ty con của tập đoàn này lên con số 12 công ty. Riêng trong lĩnh vực năng lượng, ASM sở hữu 3 công ty con.
Bên cạnh việc tiếp tục mở rộng danh mục đầu tư sang lĩnh vực năng lượng, doanh nghiệp cũng thực hiện tái cấu trúc, thu hẹp bộ máy thông qua việc giải thể văn phòng đại diện tại Hòa Bình vào cuối tháng 4 vừa qua nhằm cắt giảm chi phí hoạt động.
Về kết quả kinh doanh, trong quý I/2025, mặc dù doanh thu của ASM ghi nhận tăng trưởng 7% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế ghi nhận sụt giảm gần 50% so với cùng kỳ năm 2024, xuống còn gần 38 tỷ đồng.
Lý giải nguyên nhân lợi nhuận giảm mạnh so với cùng kỳ, lãnh đạo ASM cho biết, do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gần 19% tương đương với hơn 13,5 tỷ đồng, do chi phí vận hành đưa resort Lamori vào sử dụng và một số chi phí quản lý khác không được vốn hóa vào các dự án. Bên cạnh đó, chi phí tài chính tăng 15,48% tương đương với hơn 23,4 tỷ đồng, do lãi tiền vay và chênh lệch tỷ giá.
Năm 2025, ASM đặt mục tiêu kinh doanh đầy tham vọng với doanh thu thuần dự kiến đạt 13.600 tỷ đồng, tăng 13% so với năm trước; Lợi nhuận sau thuế đạt 700 tỷ đồng, tăng hơn 121% so với lợi nhuận đạt được của năm 2024. Tuy nhiên, với kết quả của quý đầu năm, doanh nghiệp này mới chỉ thực hiện được 5% mục tiêu lợi nhuận của năm.
Theo nhận định của Chứng khoán ABS, năm 2025 sẽ là một năm nhiều thách thức với ASM, những yếu tố tác động đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này trong năm 2025 gồm có:
Đối với mảng thủy sản, ABS cho biết, mảng cá xuất khẩu của ASM có khả năng găp khó năm 2025 do một trong những thị trường chính là Trung Quốc có nhiều yếu tố bất lợi do thuế suất của Tổng thống Trump áp lên hàng hóa Trung Quốc có thể khiến thị trường nội địa bị dư thừa nguồn cung. Tuy vậy, nguyên liệu đầu vào của mảng thức ăn cá (bột cá, dầu cá, đậu tương, ngô) vẫn đang trong xu hướng giảm từ đầu năm 2023, nhờ vậy biên lợi nhuận đã tăng lên đáng kể và dự kiến duy trì ở mức cao.
Ở mảng năng lượng, hiện ASM đang quản lý 270 MWp tổng công suất điện mặt trời. Các nhà máy điện mặt trời Sao Mai (Tịnh Biên, An Giang), Europlast Long An; và điện áp mái tại Cụm Công nghiệp Lấp Vò và nhà máy nước An Hảo đã hoạt động ổn định. Hiện đây là mảng mang lại doanh thu ổn định với biên lợi nhuận gộp rất tốt (trên 70%). Dự kiến điện năng lượng mặt trời vẫn sẽ tiếp tục đem lại nguồn doanh thu, lợi nhuận ổn định cho doanh nghiệp.
Đối với mảng dịch vụ, theo ABS, mảng cung cấp dịch vụ mang lại doanh thu tương đối ổn định cho ASM, với doanh thu trên 200 tỷ đồng và biên lợi nhuận gộp 30%. Việc khu du lịch nghỉ dưỡng Lamori Resort & Spa với 54 căn biệt thự trên đồi và 14 căn bungalow dưới hồ đã được đưa vào hoạt động tháng 1/2025 sẽ đem lại nguồn thu mới cho Tập đoàn trong năm 2025.
Trong khi đó, mảng bất động sản do tình hình khó khăn của nền kinh tế nói chung và bất động sản nói riêng, mảng bất động sản 2 năm vừa qua không mang lại nhiều doanh thu và lợi nhuận cho ASM. Tuy nhiên, với lượng tồn kho bất động sản tương đối lớn (1.572 tỷ đồng), ABS kỳ vọng, ASM sẽ có doanh thu tốt từ mảng này khi thị trường bất động sản ấm lên.
Từ những nhận định trên, Công ty Chứng khoán này dự phóng lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ của ASM năm 2025F đạt 174 tỷ đồng, giảm 5% so với năm trước.
Các tin liên quan