VietNam Finance - 03/07/2025 3:50:09 PM
Theo các DN, bản chất thật sự của thỏa thuận không nằm ở một con số tuyệt đối mà nằm ở khả năng tuân thủ quy tắc xuất xứ và minh bạch chuỗi cung ứng. Đây chính là hai điểm yếu tồn tại lâu nay trong nhiều lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam.
Ngay sau khi thông tin cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump diễn ra hôm qua (lúc 20h00 ngày 02/7/2025 - giờ Việt Nam), cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế đã có những góc nhìn phân tích về tín hiệu tích cực trong quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, cũng như kết quả đàm phán về thuế đối ứng giữa hai nước.
Theo thông báo từ phía Hoa Kỳ, Việt Nam sẽ chịu mức thuế 20% cho mọi hàng hóa đưa vào lãnh thổ Mỹ và chịu mức thuế 40% đối với hàng hóa trung chuyển. Bên cạnh mức thuế cơ bản là 10% áp dụng cho tất cả các mặt hàng.
Doanh nghiệp Việt gặp "khó" và buộc phải thay đổi
Chia sẻ với VietnamFinance, ông Ngô Minh Phương - Tổng Giám đốc Công ty Thuỷ sản Việt Trường (Hải Phòng) cho biết, con số được thông báo là 20% – mức thuế nhập khẩu mà Mỹ sẽ áp cho toàn bộ hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam bắt đầu từ sau ngày 9/7.
Ông Phương đánh giá, mức này thấp hơn đáng kể so với mức thuế cảnh báo 46% từng được phía Mỹ đề cập trước đó và rõ ràng thuận lợi hơn nhiều so với mức 55% mà Trung Quốc đang phải gánh chịu.
“Nhưng đây vẫn là một mức thuế cao hơn hiện tại, các doanh nghiệp Việt sẽ gặp khó khăn trong ngắn hạn”, ông Phương nêu quan điểm.
Đặc thù các doanh nghiệp thuỷ sản, gỗ khó có thể chịu được mức thuế 20%
Đồng quan điểm, ông Ngô Sỹ Hoài - Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định, mặc dù chưa có thông tin chính thức nhưng với mức thuế theo thông báo là 20%, chưa kể 10% mức cơ bản thì đây là một mức vẫn cao cho các sản phẩm xuất khẩu có xuất xứ Việt Nam.
Ông Hoài phân tích, các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ như gỗ, thuỷ hải sản, giày da, dệt may… biên độ lợi nhuận không rộng, đây cũng chỉ là công việc “lấy công làm lãi”. Việt Nam cũng tận dụng chi phí nhân công còn tương đối thấp và con người tỉ mỉ, khéo tay, cần cù.
Đối với ngành gỗ nói riêng, ông Hoài cho biết, ngoài các lợi thế trên còn có nguồn nguyên liệu trong nước tương đối dồi dào, chủ yếu rừng trồng keo và khoảng gần 1 triệu ha trang trại cao su.
“Đây những lợi thế để ngành công nghiệp gỗ của Việt Nam có thể cạnh tranh với các đối thủ”, ông Hoài nói thêm.
Với mức thuế tối thiểu khoảng 20% như Hoa Kỳ thông báo, ông Hoài nêu quan điểm các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sẽ sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Đồng thời, khó khăn tới mức độ nào còn phụ thuộc vào các đối thủ của Việt Nam sẽ chịu mức thuế là bao nhiêu, nhưng dự đoán có thể sẽ không cao như Việt Nam.
Cần tuân thủ quy tắc xuất xứ và minh bạch chuỗi cung ứng
Theo đại diện công ty Việt Trường, đằng sau con số tưởng như đơn giản ấy là cả một mạng lưới phức tạp các quy định, điều kiện và xác minh về nguồn gốc xuất xứ.
Ông Phương nêu, một số nguồn tin cho thấy không phải tất cả hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đều mặc định chịu mức thuế 20%. Nếu doanh nghiệp có thể chứng minh được hàng hóa có xuất xứ 100% nội địa, không sử dụng linh kiện hoặc nguyên liệu từ các quốc gia đang bị Mỹ áp lệnh trừng phạt, thì mức thuế có thể giảm xuống còn 10%.
Ngược lại, nếu bị phát hiện là hàng hóa trung chuyển đội lốt "Made in Vietnam" thì mức thuế có thể bị nâng lên 40% và đi kèm truy thu cùng các biện pháp hậu kiểm nghiêm ngặt.
Do đó, theo ông Ngô Minh Phương, bản chất thật sự của thỏa thuận không nằm ở một con số tuyệt đối mà nằm ở khả năng tuân thủ quy tắc xuất xứ và minh bạch chuỗi cung ứng. Đây chính là hai điểm yếu tồn tại lâu nay trong nhiều lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam.
“Ngành gỗ, dệt may, điện tử, thủy sản giờ đây buộc phải rà soát lại toàn bộ quy trình để đáp ứng yêu cầu khắt khe từ thị trường Mỹ. Một mắt xích lệch chuẩn có thể khiến cả lô hàng bị xếp vào diện nghi ngờ và chịu mức thuế cao hơn”, đại diện Việt Trường nhìn nhận.
Nhưng đây là cơ hội để tuân thủ quy tắc xuất xứ và minh bạch chuỗi cung ứng
Ông Ngô Sỹ Hoài cũng lạc quan cho rằng, bức tranh thực tế cũng còn khá “u ám” nhưng người Việt thường khi bị dồn vào chân tường thì sẽ thông minh và linh hoạt ứng phó.
Lãnh đạo Chính phủ cũng đã làm hết sức có thể nhưng nền xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc lớn vào thị trường Hoa Kỳ nên đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp lớn.
Thời điểm Tổng thống Mỹ Trump công bố áp thuế đối ứng nhiều tháng trước, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng đã nhìn lại chính bản thân mình và chủ động có những chiến lược đa dạng thị trường, tính toán con đường tiếp theo.
“Cứ kêu than thì cũng vô ích, đấy không phải là bản lĩnh của người làm kinh doanh. Đã là doanh nghiệp phải can trường”, Phó chủ tịch Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam chia sẻ.
Các tin liên quan
03/07/2025 Mỹ chốt thuế đối ứng: Tuân thủ quy tắc xuất xứ, minh bạch chuỗi cung ứng
03/07/2025 Dự luật thuế của Tổng thống Donald Trump gặp bế tắc tại Hạ viện
03/07/2025 Xuất khẩu thủy sản trước những thách thức khó đoán định
03/07/2025 Kinh tế Quảng Ninh tăng trưởng hai con số trong 6 tháng đầu năm
03/07/2025 Rà soát cuối kỳ chống bán phá giá bột ngọt từ Indonesia và Trung Quốc
03/07/2025 Tổng thống Trump công bố thỏa thuận thuế 20% với Việt Nam, hàng trung chuyển chịu 40%
02/07/2025 VPI dự báo giá xăng dầu giảm mạnh
02/07/2025 Những rào cản nào đang tác động xấu đến ‘sức khỏe’ ngành sản xuất nội địa?
01/07/2025 Gia Lai đặt mục tiêu trở thành cực tăng trưởng vùng sau hợp nhất
01/07/2025 Cơ hội từ Ấn Độ: Việt Nam có tận dụng được làn sóng du lịch ngắn hạn?