Tranh thủ cơ hội thay đổi cục diện cạnh tranh cho hàng Việt xuất khẩu

Thời báo kinh doanh - 2025/07/08 8:45:00


Các biến động trên toàn cầu, cộng với thỏa thuận thuế quan mới trong thương mại Mỹ - Việt, thay vì là nguy cơ thì có thể xem như cơ hội để hàng Việt xuất khẩu hành động ngay lập tức, tranh thủ thay đổi cục diện cạnh tranh. Điều này không chỉ phụ thuộc mức chênh lệch thuế quan giữa các quốc gia mà còn cần nâng cao chất lượng sản phẩm, tuân thủ quy chuẩn và tiêu chuẩn xanh để tiếp cận tốt những thị trường tiềm năng.

Thông tin mới đưa ra từ ấn bản Nikkei Asia cho biết tàu mua hàng của chuỗi siêu thị Lidl (thuộc tập đoàn Schwarz Group của Đức, là nhà bán lẻ châu Âu duy nhất sở hữu hãng tàu riêng) đã cập cảng Tp.HCM hồi tháng 6/2025 vừa qua. Động thái mới của chuỗi siêu thị hàng đầu châu Âu này (hiện có 12.350 cửa hàng) khi đưa tàu mua hàng đến Việt Nam được cho là nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng và ổn định nguồn hàng trong bối cảnh biến động địa chính trị toàn cầu.

Cơ hội bảo toàn lợi thế cạnh tranh

Lâu nay Lidl vẫn nhập khẩu phần lớn sản phẩm phi thực phẩm từ Trung Quốc. Còn với việc bổ sung cảng Tp.HCM vào lộ trình của tài mua hàng từ Lidl, theo Nikkei Asia, đã báo hiệu ý định tăng nhập khẩu các mặt hàng phi thực phẩm từ Việt Nam trong tương lai. Và động lực chính thúc đẩy sự thay đổi này đến từ cuộc chiến thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Các nhà thu mua quốc tế đang đa dạng hóa nguồn cung là cơ hội cho hàng Việt xuất khẩu thay đổi cục diện cạnh tranh.

Từ việc chuỗi bán lẻ lớn của châu Âu tăng cường mua hàng từ Việt Nam bằng cách đưa tàu mua hàng cập cảng Tp.HCM như vậy, có thể thấy một trong những cách thức chính của các nhà thu mua quốc tế là tích cực triển khai chiến lược giảm thiểu thuế quan, đa dạng hóa nguồn cung và tìm kiếm nhà cung cấp thay thế. 

Theo ông Nunzio De Filippis, Giám đốc điều hành của Cargotrans USA, trước bối cảnh chính sách Hoa Kỳ thay đổi nhanh chóng, các nhà nhập khẩu quốc tế cũng phản ứng một cách chủ động. 

Không chỉ vậy, như chia sẻ của ông De Filippis, sự thay đổi này trong chính sách thương mại của Hoa Kỳ đang mở ra một cơ hội to lớn cho các quốc gia như Việt Nam. Nhu cầu của Hoa Kỳ về các nhà cung cấp ổn định ở Đông Nam Á đang tăng mạnh. Các doanh nghiệp (DN) Việt Nam sẽ có một vị trí thuận lợi để thay thế các nhà cung cấp từ Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Xét về thỏa thuận thuế quan sơ bộ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, đánh giá tổng quan mới nhất từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán Mirae Asset cho rằng mức thuế đối ứng 20% đối với hàng hóa Việt Nam được xem là thành công ban đầu khi đưa ra kịch bản cơ sở cho quá trình đàm phán về các yếu tố kỹ thuật trong tương lai và đồng thời ổn định tâm lý đối với hoạt động sản xuất nội địa.

Mức thuế cơ sở này giúp bảo toàn lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong chiến lược “Trung Quốc +1” khi mức thuế nhập khẩu hiệu dụng (effective tariff rate) mà Hoa Kỳ đang áp dụng cho Trung Quốc là khoảng 41,4% theo Fitch Ratings (cập nhật ngày 27/06/2025). 

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng vẫn còn tương đối sớm để kết luận rằng mức thuế này thực sự mang lại lợi thế cạnh tranh bền vững và dài hạn khi so sánh với các quốc gia trong khu vực như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, và Bangladesh khi quá trình đàm phán vẫn còn đang diễn ra.

Theo Mirae Asset, tác động thực tế sẽ phụ thuộc vào mức chênh lệch thuế quan giữa các quốc gia. Mức thuế đối ứng 20% căn bản sẽ làm thay đổi cục diện cạnh tranh của Việt Nam khi so sánh với các quốc gia khác cùng xuất khẩu (XK) vào thị trường Hoa Kỳ.

Và dù thỏa thuận thuế 20% được xem là một kết quả tích cực hơn so với kịch bản 46%, hiệu quả thực tế phụ thuộc vào vị thế cạnh tranh tương đối của Việt Nam.

Chẳng hạn, với Bangladesh, đối với riêng ngành may mặc, mức thuế hiện tại có khả năng sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với Bangladesh. Hoa Kỳ đã áp đặt mức thuế 37% đối với hàng may mặc XK của Bangladesh, với lý do về việc thâm hụt thương mại và mức thuế nhập khẩu mà Bangladesh áp lên hàng hóa Mỹ. 

Hành động ngay lập tức

Mặc dù mức thuế 20% của Việt Nam vẫn thấp hơn, khoảng cách cạnh tranh đã thu hẹp đáng kể so với trước đó, khi cả hai quốc gia đều đối mặt với các mức thuế Tối huệ quốc (MFN) tương tự và thấp hơn. Trong bối cảnh Bangladesh có thể có lợi thế về chi phí lao động thấp hơn đối với một số mặt hàng may mặc cơ bản, mức chênh lệch thuế quan nhỏ hơn có thể sẽ khiến một số nhà sản xuất nhạy cảm về giá và chi phí tại Hoa Kỳ chuyển một phần đơn hàng từ Việt Nam sang Bangladesh.

Hay như so với Indonesia, khoảng cách cạnh tranh đồng thời bị thu hẹp giữa Việt Nam và Indonesia khi mức chênh lệch 12 điểm phần trăm (Việt Nam 20% so với mức thuế tiềm năng 32% của Indonesia), tuy vẫn tạo ra lợi thế cho Việt Nam, nhưng không còn đủ lớn để ngăn cản Indonesia trở thành một đối thủ cạnh tranh tiềm năng trong việc thu hút các hợp đồng tìm nguồn cung ứng.

Xét riêng XK dệt may của Việt Nam (một trong những ngành XK chủ lực đang đối mặt với rủi ro lớn từ mức thuế mới), để thay đổi cục diện cạnh tranh trước các đối thủ tiềm tàng như vậy, Phó giáo sư Rajkishore Nayak, chuyên gia ngành Quản trị doanh nghiệp thời trang, cho rằng các DN Việt trong ngành dệt may phải hành động ngay lập tức, đồng thời cần thay đổi trong trung hạn đến dài hạn để xây dựng khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn trước các mối đe dọa bên ngoài.

Theo ông Nayak, mức thuế quan điều chỉnh cho thấy ngành dệt may Việt Nam nên thay đổi theo hướng tự chủ về nguyên liệu thô, phát triển các quy trình sản xuất có đạo đức, đầu tư vào tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI), đa dạng hóa các loại sản phẩm và tìm kiếm các thị trường thay thế ở châu Á, châu Đại Dương và EU.

“Để bớt phụ thuộc vào thị trường Mỹ, ngành dệt may Việt Nam nên ưu tiên các mục tiêu chiến lược dài hạn bao gồm đa dạng hóa thị trường XK và sản phẩm, đầu tư vào công nghệ, sản xuất xanh và tập trung vào các sản phẩm bền vững”, ông Nayak nói.

Không riêng gì dệt may, từ thỏa thuận thuế quan trong thương mại Mỹ - Việt, điều mong đợi là hàng Việt nói chung cần tranh thủ được cơ hội nhằm thay đổi cục diện cạnh tranh trên thị trường XK. Điều này không chỉ phụ thuộc vào vào mức chênh lệch thuế quan giữa các quốc gia mà còn cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, tuân thủ quy chuẩn và tiêu chuẩn xanh để tiếp cận tốt hơn nữa ở những thị trường tiềm năng.

 Thế Vinh-Link gốc

Các tin liên quan