Thời báo kinh doanh - 2025/07/10 10:59:32
Việc Mỹ có thể sẽ áp thuế 40% đối với hàng hóa trung chuyển qua Việt Nam (trong thỏa thuận thuế quan mới) vẫn đang chờ hiệu lực pháp lý và thực thi được trong thực tế. Tuy vậy, đây là “khoảng đệm” quý giá cho các nhà xuất khẩu sang Mỹ kiểm soát rủi ro về xuất xứ và nên đầu tư mạnh hơn vào khâu nội địa hóa.
Trong báo cáo mới nhất về thỏa thuận thuế quan sơ bộ giữa Mỹ và Việt Nam, khi bàn biện pháp đối phó của Việt Nam nhằm hạn chế tác động của hàng hóa chuyển tải (những mặt hàng bị coi là “trung chuyển” – tức có nguồn gốc từ nước thứ ba, đặc biệt là Trung Quốc – sẽ bị áp thuế 40%), Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán Mirae Asset nêu rõ các nhà sản xuất tại Việt Nam sẽ chịu áp lực trong việc chứng minh sản phẩm của họ thực sự là “sản xuất tại Việt Nam” theo tiêu chí chuyển đổi đáng kể.
Áp lực chứng minh “sản xuất tại Việt Nam”
Chính vì vậy, phía Mirae Asset cho rằng phương pháp trực tiếp nhất là gia tăng tỷ lệ nội địa hóa bằng cách tìm nguồn cung ứng linh kiện và nguyên vật liệu thô từ trong nước hoặc từ các nguồn không phải Trung Quốc.
Phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ khiến cho việc XK hàng hóa sang Mỹ nhạy cảm với rủi ro bị xác định là hàng chuyển tải.
Ở một khía cạnh khác, các doanh nghiệp (DN) trong nước đồng thời sẽ có động lực cho việc phát triển chuỗi cung ứng trong nước theo chiều dọc. Tuy vậy, quá trình triển khai thực tế sẽ không quá thuận lợi trong ngắn hạn.
Trong ngắn hạn, theo giới quan sát, mức thuế 40% đối với các đơn hàng bị tình nghi là hàng hóa chuyển tải có khả năng sẽ ảnh hưởng chuỗi cung ứng hưởng lợi từ dòng chảy nguyên vật liệu đến từ phía Nam Trung Quốc đến các cụm nhà máy sản xuất tại khu vực miền Bắc Việt Nam để lắp ráp và tái xuất sang Hoa Kỳ.
Điều này đồng thời làm gia tăng chi phí đầu tư cho hoạt động tuân thủ, tăng thêm yêu cầu về hồ sơ chứng từ, và rủi ro kéo dài thời gian giao hàng, bị hải quan giữ lại để xác minh.
Theo đó, một số ngành xuất khẩu (XK) chủ lực của Việt Nam đặc biệt nhạy cảm với rủi ro bị xác định là hàng chuyển tải do sự phụ thuộc vào nguyên liệu và linh kiện nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc.
Điển hình như dệt may đang phụ thuộc lớn vào nguồn cung vải và nguyên phụ liệu nhập khẩu. Tương tự, ngành da giày cũng đang phụ thuộc vào các cấu phần nhập khẩu. Riêng ngành nội thất và sản phẩm gỗ, mặc dù Việt Nam có nguồn gỗ riêng, ngành này vẫn nhập khẩu gỗ đã qua chế biến và các linh kiện.
Hay như nhựa và xe đạp, vẫn đang phụ thuộc đáng kể vào linh kiện từ Trung Quốc. Nếu không tăng nhanh tỷ lệ nội địa hóa, các DN này có nguy cơ bị xếp vào diện “trung chuyển”, phải chịu thuế 40% và mất trắng thị phần tại Mỹ.
Ông Nguyễn Trần Khánh Hoàng, Giám đốc điều hành của Super Cargo Service Group, cho biết Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới (CBP) là cơ quan có thẩm quyền tại Hoa Kỳ được giao nhiệm vụ điều tra việc trung chuyển, truy xuất nguồn gốc và xác định đặc tính thiết yếu của sản phẩm.
Như lưu ý của ông Hoàng, do hàng hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc vẫn đang chịu thuế theo Mục 301, CBP vẫn đang siết chặt việc kiểm soát hành vi trung chuyển hàng hóa này qua các nước thứ ba để lẩn tránh thuế. Điều này đòi hỏi các nhà XK tại Việt Nam sử dụng nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc phải đảm bảo tuân thủ tuyệt đối về quy tắc xuất xứ.
Cũng theo vị giám đốc này, Quy tắc xuất xứ (ROO) dựa trên sự “chuyển đổi đáng kể” của sản phẩm, không chỉ dựa trên công đoạn lắp ráp cuối cùng. Do đó, việc cung cấp đầy đủ thông tin Định mức Nguyên vật liệu (BOM), tờ khai của nhà cung cấp và hồ sơ kiểm toán để chứng minh nguồn gốc là bắt buộc. Việc khai báo sai nguồn gốc có thể dẫn đến các khoản phạt nặng hoặc mất bạn hàng là nhà nhập khẩu Hoa Kỳ.
“Các DN nên tránh các quy trình mà CBP coi là không đủ tiêu chuẩn, chẳng hạn như chỉ lắp ráp đơn thuần các bộ phận từ Trung Quốc mà không có công đoạn tái lập trình hay kiểm định, hoặc may mặc từ vải đã được cắt sẵn”, ông Hoàng nói.
Thay vào đó, giải pháp khuyến khích cho các nhà XK sang Mỹ là nên có các hoạt động tạo ra giá trị gia tăng thực sự. Chẳng hạn sản phẩm dệt may được cắt và may hoàn chỉnh tại Việt Nam với chất liệu vải có nguồn gốc đa quốc gia.
Hoặc là lắp ráp các thiết bị điện tử phức tạp phải kiêm thêm công đoạn kiểm tra cuối cùng. Để đạt được điều này, DN nên được định hướng ưu tiên sử dụng nguyên liệu thô hoặc bán thành phẩm và tăng cường các công đoạn định hình, hoàn thiện, kiểm tra tại địa phương.
Nên đầu tư mạnh hơn vào khâu nội địa hóa
Còn theo góc nhìn của Ts. Chu Thanh Tuấn, chuyên gia kinh tế, một trong những điểm mấu chốt của thỏa thuận thuế quan mới trong thương mại Mỹ - Việt là mức thuế 40% đối với hàng bị coi là “trung chuyển” – khái niệm được phía Mỹ nhấn mạnh trong bối cảnh căng thẳng kéo dài với Trung Quốc.
Theo các hiệp định như USMCA (Hiệp định mới giữa Hoa Kỳ, Mexico và Canada) hay CAFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Trung Mỹ), Mỹ thường yêu cầu sản phẩm phải có tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa từ 35-45% mới được công nhận là có xuất xứ hợp lệ.
Do đó, Ts. Tuấn nhấn mạnh rằng nếu DN Việt Nam không chứng minh được tỷ lệ này, sản phẩm có thể bị xem như XK “giả danh” từ Trung Quốc và phải chịu mức thuế cao hơn.
Chính vì vậy, vị chuyên gia này có lời khuyên cho các nhà XK sang Mỹ cần kiểm soát chất lượng chuỗi cung ứng, đầu tư mạnh hơn vào khâu nội địa hóa, số hóa toàn bộ hồ sơ chứng từ để sẵn sàng cho hậu kiểm. Hơn nữa, thỏa thuận lần này là khoảng đệm quý giá, mở ra thời gian để các DN tái cấu trúc chuỗi cung ứng, kiểm soát rủi ro về xuất xứ và nâng cao năng lực cạnh tranh dài hạn.
Nói thêm về định nghĩa hàng hóa chuyển tải (transhipment goods), Bộ phận phân tích từ Công ty chứng khoán Guotai Junan (Việt Nam) chỉ rõ đây là một vấn đề quan trọng trong việc xác định mức thuế. Hiện có tin đồn về việc Mỹ đang yêu cầu phía Ấn Độ đạt hàm lượng nội địa ít nhất 60% để được công nhận là hàng hóa có xuất xứ Ấn Độ, trong khi phía Ấn Độ đang đàm phán mức nội địa hóa 35%.
Theo giới phân tích, quy định về xuất xứ của Hoa Kỳ dựa trên tiêu chí “chuyển đổi đáng kể” (substantial transformation). Theo đó, một sản phẩm phải trải qua những thay đổi cơ bản tại một quốc gia để tạo ra một hàng hóa mới về tên gọi, đặc tính hoặc công dụng. Các quy trình đơn giản như lắp ráp, đóng gói lại, hoặc quá cảnh không được xem là đủ điều kiện để xác lập xuất xứ mới.
Đối với mức thuế chuyển tải 40%, Hoa Kỳ sẽ coi hàng hóa là chuyển tải nếu chúng có nguồn gốc từ một quốc gia khác (như Trung Quốc) và được đưa qua Việt Nam chỉ với công đoạn xử lý tối thiểu trước khi xuất sang Mỹ. Do đó, để hạn chế tác động của mức thuế chuyển tải, thời điểm này là “khoảng đệm” cho các nhà XK hàng hóa sang Mỹ lập hồ sơ tài liệu một cách tỉ mỉ cho toàn bộ quy trình sản xuất và chuỗi cung ứng của mình.
Các tin liên quan
10/07/2025 Cần những hành động cụ thể để tăng trưởng khối tư nhân
10/07/2025 ‘Khoảng đệm’ cho các nhà xuất khẩu sang Mỹ kiểm soát rủi ro về xuất xứ
10/07/2025 Cơ hội từ các FTA không dành cho tất cả doanh nghiệp
09/07/2025 Nghị quyết 57: Cú hích hạ tầng công nghệ Đà Nẵng
09/07/2025 Chuyên gia đánh giá tích cực triển vọng mở rộng hợp tác Việt - Mỹ
09/07/2025 Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 9,2% trong 6 tháng đầu năm 2025
08/07/2025 Chuyên gia chỉ ra động lực tăng trưởng quan trọng nhất cho 6 tháng cuối năm
08/07/2025 Ngân hàng UOB nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam lên 6,9%
08/07/2025 Giải 'bài toán' tăng trưởng sau sáp nhập
08/07/2025 Tranh thủ cơ hội thay đổi cục diện cạnh tranh cho hàng Việt xuất khẩu