Cần những hành động cụ thể để tăng trưởng khối tư nhân

Thời báo kinh doanh - 2025/07/10 11:16:28


Khu vực tư nhân đang có cơ hội khẳng định vai trò tiên phong trong hành trình phát triển kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, để hiện thực hóa tham vọng thành tăng trưởng thực chất, cần có những hành động cụ thể.

Tại Hội nghị Đầu tư với chủ đề "Việt Nam mới: Tầm nhìn kiến tạo giá trị", được tổ chức ngày 9/7, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc chia sẻ định hướng chiến lược của Chính phủ về quá trình phát triển kinh tế của đất nước.

Theo Phó thủ tướng, Việt Nam đang thực hiện cơ cấu đổi mới kinh tế, thúc đẩy động lực phát triển nhằm đạt mục tiêu kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đạt thu nhập cao vào năm 2045.

Năm nay, thể chế có nhiều thay đổi để tạo động lực phát triển mới. Trong đó, Bộ Chính trị ban hành 4 nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân, hội nhập quốc tế trong tình hình mới; đột phá khoa học và công nghệ và đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật.

Theo Phó thủ tướng, đây là nền tảng quan trọng, là kim chỉ nam thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã sửa đổi 28 luật, mở đường thu hút các nguồn lực phát triển kinh tế, đồng thời tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục hành chính. Nhiều nghị định mới được ban hành đều tập trung vào việc gỡ bỏ rào cản, tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư, công nghệ, cũng như xây dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng và minh bạch.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc khẳng định Chính phủ cam kết đối xử bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Để kinh tế tư nhân bứt phá, Phó Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam sẽ có nền tảng thị trường tài chính năng động sáng tạo. Phó Thủ tướng đánh giá cao vai trò của nhà đầu tư trong và ngoài nước, cũng như các tổ chức tài chính – ngân hàng, trong việc xây dựng hệ thống tài chính thông minh, hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả.

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Nhà sáng lập Sovico điểm lại Nghị quyết 68 vừa được ban hành vào tháng 5 năm nay, đã khẳng định vai trò tiên phong của khu vực kinh tế tư nhân trong việc tạo lập năng lực kinh doanh và việc làm quốc gia. Hiện kinh tế tư nhân đang đóng góp tới 65% GDP, minh chứng rõ nét cho năng lực kiến tạo giá trị, bản lĩnh cạnh tranh và tinh thần trách nhiệm đậm bản sắc dân tộc. Trong đó, bà nhấn mạnh cụm từ "khát vọng phụng sự cộng đồng, phụng sự đất nước".

Nữ lãnh đạo cho biết Sovico đã đồng hành cùng sự phát triển của đất nước hơn 30 năm qua ở nhiều lĩnh vực: ngân hàng, tài chính, hàng không, phát triển đô thị lẫn chuyển đổi số. "Năng lực sáng tạo của khu vực tư nhân Việt Nam là vô hạn và chính khu vực này đã cùng nhau giải quyết những thách thức lớn trong suốt 4 năm qua, đóng góp hàng tỷ USD và tạo dựng giá trị cho các nhà đầu tư hôm nay", bà nói.

Bà đưa ra khuyến nghị Chính phủ nên duy trì mặt bằng lãi suất ổn định, tỷ giá linh hoạt, thúc đẩy tín dụng số hóa, thị trường trái phiếu, các quỹ đầu tư và nguồn vốn xanh. Đồng thời, bà cho biết các đơn vị cần tận dụng hiệu quả các FTA để thu hút dòng vốn quốc tế đầu tư vào các lĩnh vực như AI, blockchain, kinh tế tuần hoàn, công nghệ "Made in Vietnam" - những chìa khóa để Việt Nam tăng tốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank, cần  những hành động cụ thể để tăng trưởng khối tư nhân. Ông nhận định khu vực tư nhân đang có cơ hội khẳng định vai trò tiên phong trong hành trình phát triển kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, để hiện thực hóa tham vọng thành tăng trưởng thực chất, cần có những hành động cụ thể.

"Chúng ta cần hình thành dòng vốn đầu tư đủ mạnh. Ước tính nhu cầu vốn để phát triển hiện nay lên tới 1.200 tỷ USD. Riêng cho các hoạt động chuyển đổi như phát triển trung tâm dữ liệu, cải thiện cơ sở vật chất, nâng cấp công nghệ và sản xuất, cần khoảng 100 tỷ USD", ông nói.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng chỉ vốn thôi chưa đủ mà Việt Nam cần thêm kinh nghiệm, nền tảng và khung pháp lý phù hợp để triển khai hiệu quả các kế hoạch đầu tư. Điều này có nghĩa ngoài bảng cân đối ngân hàng cần mở rộng các kênh huy động vốn như thị trường trái phiếu, quỹ đầu tư quốc tế và cả các tổ chức tài chính phát triển như IFC.

Từ góc độ thể chế, ông Jens Lottner đề xuất Chính phủ tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất ổn định, điều hành tỷ giá linh hoạt, phát triển thị trường trái phiếu, thúc đẩy tín dụng số hóa và tận dụng hiệu quả các FTA nhằm thu hút dòng vốn quốc tế vào Việt Nam.

"Chúng ta cần chuyển trọng tâm từ tăng trưởng dựa vào quốc doanh sang phát triển khu vực tư nhân. Tuy nhiên, để đẩy mạnh khu vực này trong vòng 5 năm, thay vì 30-35 năm như thông lệ, thì công nghệ và số hóa là điều bắt buộc", ông nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Giao, Giám đốc Quỹ đầu tư Việt Nam - Oman, cho rằng điều quan trọng trong mục tiêu tăng trưởng kinh tế hiện nay là tạo ra những "sân chơi" thuận lợi, cởi mở hơn cho doanh nghiệp, đặc biệt giảm thiểu thủ tục hành chính lẫn gánh nặng giấy tờ.

Ông dẫn chứng tháng 10 năm ngoái, để mở một tài khoản giao dịch phải mất gần ba tháng do phải xin nhiều giấy phép liên quan đến pháp lý. Trong khi đó, hiện nay, cùng quy trình đó chỉ mất chưa đầy một ngày để hoàn tất. "Một thay đổi tích cực cho môi trường đầu tư", ông nhấn mạnh.

Ví dụ khác, hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A), vốn là lĩnh vực đòi hỏi phải tuân thủ nhiều quy định và cần được phê duyệt bởi các cơ quan chuyên trách. Trước đây, quy trình có thể kéo dài từ 1 đến 6 tháng do các rào cản pháp lý. Tuy nhiên, quy trình này hiện đã tinh giản đáng kể.

"Những chính sách hỗ trợ chuyển đổi số của Chính phủ đã giúp rút ngắn thời gian xử lý cho nhà đầu tư tới 10%, giảm đáng kể khối lượng công việc hành chính, góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư trong 5 năm tới", ông Nguyễn Xuân Giao phân tích.

Bên cạnh việc cải cách thủ tục, ông nhấn mạnh Việt Nam cần thu hút thêm dòng vốn ròng để phục vụ cho phát triển hạ tầng, đổi mới sáng tạo và các hoạt động đầu tư mạo hiểm. Để làm được điều này, cần có thêm sự tham gia của các quỹ đầu tư trong và ngoài nước, cùng với sự đồng hành, hỗ trợ từ Chính phủ để kiến tạo một hệ sinh thái đầu tư bền vững, minh bạch, hiệu quả hơn.

Về phía cơ quan quản lý, bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Công Thương, khẳng định "Chúng tôi sẽ đối xử bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, giữa nhà nước, tư nhân và đầu tư nước ngoài để tất cả bình đẳng trước pháp luật và thực hiện minh bạch, chúng tôi cũng sẽ sát cánh cùng tháo gỡ khó khăn, giảm thủ tục hành chính tối thiểu 30% để thúc đẩy kinh tế phát triển".

Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh vai trò của việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn, công nghệ và thông tin thị trường, đặc biệt trong các ngành chịu ảnh hưởng từ rào cản thương mại. Song song đó là đầu tư vào hạ tầng công nghệ như khu công nghiệp xanh, khu công nghệ cao và hệ thống logistics hiện đại để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cuối cùng, Việt Nam cần tăng cường hợp tác quốc tế, mở rộng đàm phán FTA với các đối tác mới, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm và mở rộng thị trường xuất khẩu.

"Dù còn nhiều thách thức, Việt Nam đang có cơ hội lớn để bứt phá nhờ lợi thế nội tại, chính sách đúng hướng và sự đồng lòng từ Chính phủ, doanh nghiệp và người dân", đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Huyền Anh-Link gốc

Các tin liên quan