Thời báo kinh doanh - 11/07/2025 8:50:36 SA
Việc quen thuộc với “thực chiến” (như năng động tham gia và kết nối giao thương tại hội chợ ở nước ngoài hay “làm chủ” công nghệ số trong tiếp thị thương mại) mang lại nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp thực phẩm Việt. Nhất là được nhiều đối tác quốc tế biết đến, mở rộng thị trường, tăng khả năng thích ứng trước khó khăn, cập nhật xu hướng, làm chủ khâu tiếp thị, tiết kiệm chi phí…
Ghi nhận trong 3 ngày gần đây mà đoàn doanh nghiệp (DN) của Việt Nam (gồm 12 DN, phần lớn là DN vừa và nhỏ trong ngành thực phẩm) tham dự và trưng bày tại hội chợ của các nhà nhập khẩu ở Hàn Quốc cho thấy nhiều đối tác Hàn Quốc đã chủ động ngồi lại bàn trao đổi với các DN và hẹn thăm nhà máy, đi khảo sát thực tế tại Việt Nam. Có DN không còn hàng mẫu, phải dùng hình ảnh và video để tiếp tục giới thiệu sản phẩm và năng lực sản xuất.
Chinh phục thị trường từ “thực chiến” hội chợ
Tại hội chợ này, các DN thực phẩm của Việt Nam đều tham gia đầy đủ và xuyên suốt các hoạt động trưng bày, kết nối với đối tác. Nhiều giám đốc DN trực tiếp có mặt tại gian hàng, chủ động giới thiệu sản phẩm, tiếp xúc và làm việc với khách mua hàng, đối tác tiềm năng. Một số DN đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước, mời các đối tác từng gặp gỡ tại những hội chợ quốc tế khác đến tiếp tục trao đổi tại sự kiện lần này.
Năng động “thực chiến” trong hoạt động kết nối giao thương tại các hội chợ sẽ giúp DN thực phẩm Việt tiếp cận với nhiều nhà thu mua quốc tế tiềm năng.
Các DN đều ghi nhận nhiều phản hồi tích cực từ đối tác Hàn Quốc. Có sản phẩm nhận được lời mời đi thăm nhà máy tại Việt Nam, có đơn vị được nhà thu mua (buyer) gửi lại thông tin liên lạc để tiếp tục đàm phán sau hội chợ. Đa số nhà mua hàng quan tâm tới các sản phẩm bản địa của DN Việt có yếu tố tự nhiên.
Các nhà thu mua của Hàn Quốc cũng bày tỏ sự quan tâm đến mô hình phát triển sản phẩm bền vững của các DN thực phẩm Việt Nam, từ câu chuyện nguyên liệu cho đến năng lực sản xuất theo tiêu chuẩn môi trường.
Hoặc như có DN đã kết nối với ông Park Dae Keun – Phó tổng giám đốc của một công ty xuất nhập khẩu quốc tế có chi nhánh tại Việt Nam, đồng thời là nhà nhập khẩu và phân phối hàng hóa vào hệ thống siêu thị lớn như Walmart và Costco. Đây được xem là một trong những tín hiệu kết nối quan trọng, mở ra khả năng hiện diện của hàng Việt tại các hệ thống bán lẻ lớn toàn cầu.
Ông Trần Lê Hùng, Giám đốc Công ty TNHH bánh hạnh nhân Tiến Anh cho biết, khách hàng thị trường Hàn Quốc quan tâm khá nhiều đến các tiêu chuẩn ghi trên mẫu mã bao bì, họ hỏi nhiều về những thành phần dinh dưỡng, yếu tố sức khỏe.
Với riêng dòng sản phẩm bánh hạnh nhân của công ty, ông Hùng cho hay, khách Hàn Quốc hỏi rất kỹ về việc mình có để chất phụ gia không, chất đó là chất gì, ảnh hưởng ra sao đến sức khỏe khi dùng.
“Nhiều đối tác ngỏ ý mua với số lượng lớn, họ yêu cầu về mặt giá phải phù hợp, giá cạnh tranh”, ông Hùng nói.
Việc năng động “thực chiến” của các DN thực phẩm như kể trên đã thể hiện rõ khi tất bật tiếp đối tác, các hoạt động tham vấn trực tiếp B2B (DN với DN) diễn ra với cường độ cao tại cả khu vực kết nối hay cùng nhau họp rút kinh nghiệm mỗi cuối ngày.
Cùng đi với đoàn DN sang Hàn Quốc lần này, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao, nói rằng đã đến lúc DN Việt cần lựa chọn kỹ hội chợ ở nước ngoài để tham dự, không nhất thiết phải lớn, mà quan trọng là có mục tiêu rõ ràng, làm việc tới nơi tới chốn và gặt hái kết quả thiết thực.
Có thể nói việc các DN thực phẩm Việt vừa và nhỏ quen với “thực chiến” tại một hội chợ ở nước ngoài như vậy là rất đáng khích lệ và nên tiếp tục phát huy. Có như vậy thì khả năng kết nối giao thương với các đối tác thu mua quốc tế sẽ tăng lên, cơ hội đưa sản phẩm ra nước ngoài sẽ “rộng cửa”, từ đó cải thiện đầu ra, giảm thiểu được tình cảnh tồn kho.
Theo giới chuyên gia, trong bối cảnh thị trường liên tục biến động, hành vi tiêu dùng thay đổi nhanh chóng, các kênh bán hàng dịch chuyển không ngừng thì các DN thực phẩm Việt không còn nhiều thời gian để chờ đợi. Thay vào đó, họ cần “thực chiến” một cách năng động.
Hơn lúc nào hết, họ phải “am hiểu – hành động – và thích ứng” để tồn tại và bứt phá. Với tinh thần “thực chiến”, các DN thực phẩm cần tập trung vào 4 trụ cột: Nâng cao nội lực, cập nhật xu hướng, làm chủ tiếp thị và mở rộng thị trường.
“Thực chiến” công nghệ số trong tiếp thị thương mại
Bàn về giải pháp “thực chiến” để thích nghi với thị trường, ông Phạm Trọng Chinh, chuyên gia cao cấp về Hệ thống phân phối & Trade Marketing (tiếp thị thương mại), cho rằng các DN nên ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) trong tiếp thị thương mại, đẩy mạnh việc xây dựng và quản trị hệ thống phân phối.
Ngoài ra, theo ông Chinh, các DN nên kinh doanh theo Omni-channel (mô hình tiếp cận đa kênh để tiếp thị, bán hàng và phục vụ khách hàng theo cách tạo ra những trải nghiệm tích hợp, bất kể khách hàng đang ở đâu), đặc biệt là eCommerce (thương mại điện tử).
Nói thêm “thực chiến” trong khâu tiếp thị thương mại, bà Trần Nguyễn An Ninh – cựu giám đốc Marketing Oreo Đông Nam Á Mondelez, đã chỉ ra những công cụ liên quan đến AI, như ChatGPT và Perplexity.ai có thể giúp DN tìm hiểu về thị trường, đối thủ, phân khúc khách hàng, vùng miền…, từ đó có cách tiếp cận đúng hơn trong chiến lược marketing của mình.
Theo bà Ninh, hiện nay, nhờ ChatGPT và Perplexity.ai…mà các DN biết các thông tin về ngành hàng của mình. Trong khi đó, để có những thông tin này, trước đây khi chưa có AI thì phía DN phải tốn nhiều thời gian, tiền bạc…
Như chia sẻ của vị cựu giám đốc marketing, nếu các DN ứng dụng tốt AI vào các hoạt động marketing một cách hiệu quả sẽ giúp tiết kiệm chi phí, đạt được kết quả rõ ràng và dễ dàng áp dụng vào thực tế.
Là người quản lý kinh doanh cho một DN thực phẩm - công ty Nông Lâm Foods, chị Trần Thị Ngọc Huyền nói rằng việc ứng dụng các công nghệ mới vào tiếp thị thương mại mang lại lợi ích rất nhiều cho DN. Chẳng hạn như việc ứng dụng, áp dụng chính những sản phẩm của mình trong “thực chiến” bằng AI đã giúp cho việc hoạch định các sản phẩm, thị trường một cách dễ dàng hơn.
Chị Huyền cho biết hiện công ty đã xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc và đạt được một số kết quả. Tuy nhiên, công ty sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng các công cụ AI để đưa những sản phẩm trái cây sấy tiếp cận nhiều hơn nữa đối với các khách hàng đang quan tâm đến sức khỏe của mình.
Còn theo ông Phạm Đình Ngãi, Tổng giám đốc và nhà sáng lập Sokfarm, việc “thực chiến” ứng dụng công nghệ AI và công nghệ số đã giúp công ty tiếp cận và hiểu rõ hơn về hành vi của người tiêu dùng và xu hướng thị trường. Nhất là công ty có dùng những bộ công cụ đo lường để nghiên cứu thị trường, đặc biệt là các thị trường quốc tế, nên sản phẩm của công ty hiện nay đã xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính trên thế giới.
Các tin liên quan
11/07/2025 Xu hướng chuyển đổi tất yếu của ngành vận tải biển
11/07/2025 Huế tăng tốc phát triển công nghiệp, gỡ điểm nghẽn để thu hút đầu tư
11/07/2025 Nhiều lợi thế mang lại cho doanh nghiệp thực phẩm quen với ‘thực chiến’
10/07/2025 Cần những hành động cụ thể để tăng trưởng khối tư nhân
10/07/2025 ‘Khoảng đệm’ cho các nhà xuất khẩu sang Mỹ kiểm soát rủi ro về xuất xứ
10/07/2025 Cơ hội từ các FTA không dành cho tất cả doanh nghiệp
09/07/2025 Nghị quyết 57: Cú hích hạ tầng công nghệ Đà Nẵng
09/07/2025 Chuyên gia đánh giá tích cực triển vọng mở rộng hợp tác Việt - Mỹ
09/07/2025 Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 9,2% trong 6 tháng đầu năm 2025
08/07/2025 Chuyên gia chỉ ra động lực tăng trưởng quan trọng nhất cho 6 tháng cuối năm