Vietnam+ - 11/07/2025 1:43:18 CH
Thành phố Huế đã tập trung triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp nhằm tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế). Ảnh: TTXVN phát
Để thúc đẩy phát triển công nghiệp, UBND thành phố Huế tập trung hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển hạ tầng công nghiệp, cụm công nghiệp để các dự án sớm đi vào hoạt động tạo bước đột phá cho ngành công nghiệp.
Hiện chính quyền thành phố đã tập trung hoàn thiện và phát triển hạ tầng tại các khu kinh tế (Chân Mây - Lăng Cô), khu công nghiệp (Gilimex, Sài Gòn - Chân Mây, La Sơn, Phú Bài, Phong Điền), cụm công nghiệp (Bình Thành, Điền Lộc, Điền Lộc 2), với mục tiêu đảm bảo 100% các khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.
Thành phố tiếp tục triển khai các khu công nghiệp mới tại các khu vực như: Phú Bài, Phú Đa nhằm phân bổ hợp lý các ngành công nghiệp, hạn chế tình trạng quá tải tại các khu vực hiện tại và đáp ứng nhu cầu phát triển lâu dài. Các khu công nghiệp mới sẽ được xây dựng trên các diện tích đất lớn, đã được quy hoạch từ trước, với các tiện ích đồng bộ như hệ thống cấp thoát nước, điện, viễn thông, xử lý chất thải, và các dịch vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp. Thành phố cũng sẽ đẩy mạnh việc cấp giấy phép và các thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận tiện, để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Về phát triển các cụm công nghiệp, theo UBND thành phố Huế, mục tiêu đến năm 2030, Huế sẽ đầu tư thành lập, mở rộng 20 cụm công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu mặt bằng phục vụ thu hút đầu tư, di dời các cơ sở sản xuất vào cụm công nghiệp đảm bảo khả thi, hiệu quả sử dụng đất; phấn đấu đạt 100% cụm công nghiệp được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.
Chính quyền thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch, sẵn sàng phương án cung ứng, điều tiết nguồn điện để bảo đảm cung cấp điện cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; triển khai xây dựng phương án phát triển mạng lưới điện trong quy hoạch thành phố Huế phù hợp thực hiện điều chỉnh quy hoạch điện VIII.
Song song đó, UBND thành phố Huế tập trung đôn đốc, giám sát và hỗ trợ triển khai các dự án trọng điểm, tạo năng lực mới, tăng thu ngân sách và giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là các dự án tạo động lực phát triển đột phá cho ngành công nghiệp như: Dự án Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motor Huế (giai đoạn 2, 3), Dự án nhà máy Kanglongda Huế (giai đoạn 2, 3), dự án mở rộng nhà máy Bia CARLSBERG Việt Nam; Nhà máy chế biến cát thạch anh công nghệ cao Creanza; Nhà máy sản xuất kính hoa tiêu trắng Đạt Phương; Trung tâm Logistics Chân Mây; Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Gilimex; KCN và khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây…
Bên cạnh tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng, mở rộng đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới; phát triển hạ tầng giao thông, tăng khả năng kết nối giữa các khu kinh tế, cụm công nghiệp trên địa bàn, UBND thành phố Huế còn chú trọng tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, UBND thành phố Huế đã thành lập 4 Tổ Công tác liên ngành đặc biệt về xúc tiến và hỗ trợ đầu tư do Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND thành phố làm tổ trưởng, nhằm trực tiếp đồng hành cùng doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh nếu có.
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND thành phố Huế cho biết, thành phố nghiêm túc lắng nghe các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư; trong đó có nhà đầu tư nước ngoài với tinh thần cầu thị, chia sẻ, thấu hiểu và đồng hành; trên cơ sở đó, kịp thời có biện pháp xử lý hiệu quả, nhất là những khó khăn, vướng mắc thực tế.
Các doanh nghiệp có dự án nghiên cứu, đầu tư trên địa bàn thành phố không phân biệt dự án có quy mô lớn nhỏ, tất cả các dự án đều được các tổ công tác sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp với mục tiêu chung là sớm đưa vào hoạt động đối với các dự án đã cấp phép đầu tư; sớm hoàn thành thủ tục kêu gọi đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư để tiếp tục triển khai thủ tục khác nhằm đưa vào hoạt động.
Để hạn chế tối đa tình trạng doanh nghiệp phải tự tìm hiểu để thực hiện các thủ tục hành chính liên quan dự án, dứt điểm tình trạng kéo dài thời gian xử lý thủ tục hành chính của các sở, ngành cấp thành phố; các tổ công tác luôn đề xuất để xử lý dứt điểm các vướng mắc các dự án đang gặp phải để đẩy nhanh tiến độ, với mục tiêu cao nhất là sớm đưa các dự án đi vào hoạt động để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Với tinh thần đánh giá cao vai trò quan trọng của doanh nghiệp, thành phố Huế đã xây dựng và vận hành phần mềm quản lý dự án, qua đó giúp doanh nghiệp có thể chủ động theo dõi tiến độ dự án, là kênh kết nối nhà đầu tư với chính quyền. Thông qua phần mềm, nhà đầu tư không chỉ có thể theo dõi tiến độ dự án mà còn có thể phản ánh những vướng mắc với chính quyền để cùng tháo gỡ, thúc đẩy tiến độ.
Ngoài ra, UBND thành phố Huế chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan tiến hành rà soát, báo cáo những đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp thông qua bộ chỉ số PCI, đồng thời tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch cải thiện, nâng hạng bộ chỉ số một cách phù hợp.
Cùng với đó, ban hành kế hoạch đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) để xác định các hạn chế đang không được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao rơi vào đơn vị nào, thủ tục nào, hoạt động nào để từ đó thực hiện các biện pháp điều chỉnh tốt hơn; đưa kết quả DDCI vào để đánh giá, xếp loại công tác cải cách hành chính của các đơn vị.
Việc thành phố Huế tập trung triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp sẽ tạo ra nền tảng vững chắc để thu hút các nhà đầu tư đến với địa phương. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Huế tận dụng lợi thế cạnh tranh về mặt giá cả đất đai và lao động, tạo ra nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế thành phố trong thời gian đến.
Cũng theo báo cáo UBND thành phố Huế, 6 tháng đầu năm tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của thành phố đạt 9,39% (cao hơn mức tăng cùng kỳ là 6,35%), xếp thứ 9/34 tỉnh/thành cả nước và xếp thứ 3 trong Vùng (sau thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi); trong đó, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, tăng 12,72% (cao hơn mức tăng cùng kỳ 5,77%), chiếm 29,3% trong cơ cấu kinh tế. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm tăng 17,5% so với cùng kỳ.
Các tin liên quan
11/07/2025 Xu hướng chuyển đổi tất yếu của ngành vận tải biển
11/07/2025 Huế tăng tốc phát triển công nghiệp, gỡ điểm nghẽn để thu hút đầu tư
11/07/2025 Nhiều lợi thế mang lại cho doanh nghiệp thực phẩm quen với ‘thực chiến’
10/07/2025 Cần những hành động cụ thể để tăng trưởng khối tư nhân
10/07/2025 ‘Khoảng đệm’ cho các nhà xuất khẩu sang Mỹ kiểm soát rủi ro về xuất xứ
10/07/2025 Cơ hội từ các FTA không dành cho tất cả doanh nghiệp
09/07/2025 Nghị quyết 57: Cú hích hạ tầng công nghệ Đà Nẵng
09/07/2025 Chuyên gia đánh giá tích cực triển vọng mở rộng hợp tác Việt - Mỹ
09/07/2025 Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 9,2% trong 6 tháng đầu năm 2025
08/07/2025 Chuyên gia chỉ ra động lực tăng trưởng quan trọng nhất cho 6 tháng cuối năm