VGT: Vinatex sáng tạo, đột phá, bứt tốc trong chất lượng tăng trưởng

Vietnam+ - 24/07/2025 12:04:40 CH


 Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Vinatex cho biết, giai đoạn 2025 – 2030 là giai đoạn của các ý tưởng sáng tạo, đột phá, bứt tốc trong chất lượng tăng trưởng của ngành dệt may.

Ngành dệt may là một trong những động lực chính của toàn ngành công nghiệp. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Vì vậy, các giải pháp trong giai đoạn tới cần mạnh mẽ, triệt để hơn mới có thể đạt được những chỉ tiêu lớn của nhiệm kỳ.

Theo đó, từ nay đến cuối năm, Tập đoàn Dệt may Việt Nam sẽ triển khai những giải pháp để hướng tới sự phát triển bền vững của từng doanh nghiệp cũng như của toàn tập đoàn.

Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng sẽ xem xét triển khai những chương trình lớn, theo hướng tập trung, để tránh phân tán nguồn lực đơn lẻ tại các doanh nghiệp như: xem xét xây dựng các cơ chế, quy chế linh hoạt để người đại diện vốn có thể chủ động hơn trong điều hành tại doanh nghiệp, quan tâm đến công tác tái đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Hoàn thiện nhanh hệ thống số hóa báo cáo quản trị, đơn giản hơn, ít đầu mối hơn, tạo điều kiện cho người đại diện cung cấp thông tin báo cáo định kỳ dễ dàng và nhanh chóng.

Đồng thời, tăng cường năng lực các ban chức năng, đảm bảo đồng hành và hỗ trợ kiểm soát tốt hơn hoạt động tại các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tháo gỡ kịp thời những vướng mắc trong quá trình vận hành.

Cùng đó, Tập đoàn tạo mạng lưới kết nối giữa các đơn vị thông qua người đại diện vốn, nhằm chia sẻ thông tin thị trường, kinh nghiệm quản trị dưới hình thức tổ chức các hội thảo chuyên đề, các câu lạc bộ sinh hoạt theo nhóm ngành, nhóm đơn vị… để người đại diện có sự gặp gỡ, trao đổi thường xuyên hơn.
Đặc biệt, kiên trì liên kết chuỗi để thực hiện thành công chiến lược một điểm đến, đồng thời chủ động được một phần nguồn nguyên liệu đầu vào và tăng hiệu quả. Từng bước tổ chức triển khai các chương trình chung của Tập đoàn như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, kết nối chuỗi cung ứng….


Công nhân sản xuất hàng may mặc tại Công ty cổ phần Dệt May 29/3. Ảnh: Trần Lê Lâm – TTXVN

Từ đầu năm đến nay, với doanh thu hợp nhất đạt 50% kế hoạch năm và lợi nhuận hợp nhất đạt trên 65% kế hoạch, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2024. Đây có thể nói là mức tăng trưởng ấn tượng sau thời gian dài doanh nghiệp phải đối phó với biến động phức tạp của thị trường.

“Điều này chứng tỏ, các đơn vị trong Tập đoàn đã có sự chuẩn bị và hướng đi đúng đắn trong giai đoạn khó khăn vừa qua, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng để tận dụng được những cơ hội thị trường ngay khi vừa xuất hiện, chủ động tăng tốc, thiết lập các giải pháp đột phá để tăng tối đa hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, quyết tâm hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2025”, Tổng Giám đốc Cao Hữu Hiếu nhấn mạnh.

Theo ông Cao Hữu Hiếu, mặc dù những tháng đầu năm tương đối thuận lợi, từ nay đến cuối năm vẫn khó đoán định, nhất là các chính sách thuế quan còn chưa thực sự rõ ràng.

Vì vậy, từ nay đến cuối năm doanh nghiệp dệt may cần bám sát tình hình thị trường, quản trị tốt hoạt động sản xuất kinh doanh theo đúng kế hoạch. Tất cả các đơn vị cần đặt trọng tâm vào công tác thị trường, coi đó là đầu kéo cho toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh. Tìm mọi biện pháp tăng năng suất lao động tổng hợp, tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất và tiêu hao và kiểm soát chặt chẽ chất lượng và nguồn gốc xuất xứ.

Các đơn vị thành viên cần đảm bảo tính thống nhất trong toàn hệ thống Tập đoàn, đó là rà soát, hoạch định lại chiến lược phát triển dài hạn của đơn vị, sắp xếp nguồn lực để đạt mục tiêu tăng trưởng của nhiệm kỳ, đặc biệt với các đơn vị bắt đầu nhiệm kỳ mới. Rà soát mô hình tổ chức, đảm bảo tinh gọn, đi đôi với phân cấp sâu để tăng hiệu quả quản trị. Muốn vậy, cần nhanh chóng thiết lập các cơ chế cần thiết, xây dựng và đào tạo đội ngũ quản lý đảm bảo năng lực.
Cùng đó, các đơn vị kiên trì thực hiện chuyển đổi số toàn diện, không chỉ trong sản xuất mà cả quản trị tài chính, nhân sự, chuỗi cung ứng, từng bước hình thành hệ thống phần mềm quản lý ERP. Đây là những vấn đề bắt buộc phải thực hiện để đảm bảo quản trị minh bạch, hỗ trợ ra quyết định chính xác, quản trị rủi ro đồng thời từng bước đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc nguyên liệu đang rất được quan tâm.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam chia sẻ, trước yêu cầu khắt khe về xuất xứ nguyên phụ liệu sản xuất dệt may, lãnh đạo Tập đoàn đề nghị các doanh nghiệp cần phân loại và làm rõ các chủng loại vải có thể tìm kiếm trong nước để giảm bớt nhập khẩu. Sử dụng nguồn phụ liệu trong nước để ưu tiên tỷ lệ cho nhập vải. Làm việc với khách hàng để đa dạng các quốc gia nhập khẩu nguyên liệu. Đẩy nhanh giải pháp số để truy xuất được nguồn gốc sản phẩm…
Theo ông Lê Tiến Trường, trong thời gian tới các doanh nghiệp và người đại diện vốn cũng cần quan tâm đến động lực phát triển, đặt ra các vấn đề về phát triển - an toàn, động lực phát triển truyền thống - động lực phát triển mới để có các giải pháp phát triển bền vững trong giai đoạn tới…
Ông Phạm Văn Tân, Phó Tổng Giám đốc thường trực Vinatex cho biết, doanh thu hợp nhất nửa đầu năm của Tập đoàn đạt trên 9.000 tỷ đồng, bằng 49,4% kế hoạch năm, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2024. Lợi nhuận hợp nhất đạt 598 tỷ đồng, bằng 65,7% kế hoạch năm và tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ.
Các thị trường xuất khẩu chính bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, và Trung Quốc; trong đó, Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất, chiếm tỷ trọng 43,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Lao động bình quân 6 tháng đầu năm của Vinatex là 47.852 người với mức thu nhập bình quân 11,2 triệu đồng/người/tháng.

Link gốc

Các tin liên quan