Dự báo vốn FDI sẽ chảy mạnh vào lĩnh vực công nghệ có giá trị cao

Vietnam+ - 27/03/2025 1:54:39 CH


 Việt Nam sẽ tập trung hoàn thiện thể chế thông thoáng, tập trung vào giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; giảm thủ tục hành chính, cắt bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết.

​​​​​​​

Thu hút vốn FDI đạt hơn 31 tỷ USD, thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút vốn FDI lớn nhất thế giới. Ảnh: TTXVN

Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Theo báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô năm 2025, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia dự báo dòng vốn FDI sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam, nhất là dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất và công nghệ có giá trị cao như: công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, logistics…

Trong xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và diễn biến phức tạp về địa chính trị trên thế giới, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong ngành công nghiệp bán dẫn nhờ nguồn nhân lực chất lượng cao với chi phí cạnh tranh; cơ sở hạ tầng được đầu tư và nâng cấp mạnh mẽ; cơ chế, chính sách ngày càng thông thoáng, cởi mở; cùng quyết tâm chính trị cao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ.

Tại Nghị quyết số 57-NQ/TW (Nghị quyết 57) ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; trong đó, đã đặt ra mục tiêu nâng trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của thế giới; một số lĩnh vực khoa học, công nghệ đạt trình độ quốc tế…

Cùng với đó, Chính phủ triển khai nhiều giải pháp, hành động cụ thể liên quan đến hoàn thiện cơ chế chính sách, triển khai Chương trình Phát triển nguồn nhân lực và Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn…

Giám đốc dịch vụ chuyển đổi số và ứng dụng AI tại FPT Digital, ông Đoàn Hữu Hậu cho biết, nền kinh tế Việt Nam duy trì tăng trưởng ổn định nhờ vào chính sách vĩ mô hợp lý, tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ, và sự phát triển bền vững của các ngành công nghiệp và thị trường tiêu dùng nội địa.

Ngoài ra, lợi thế địa chính trị và chính sách ổn định giúp của Việt Nam hấp dẫn cho dòng vốn ngoại, nhờ vào vị trí chiến lược tại khu vực Đông Nam Á, môi trường đầu tư thuận lợi, và các chính sách khuyến khích đầu tư.

Tuy nhiên, trước làn sóng đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, đổi mới sáng tạo, Việt Nam cũng phải đối mặt với một số thách thức, đến từ biến động kinh tế toàn cầu; sự thay đổi liên tục của các cơ chế, chính sách, quy định; yêu cầu phát triển cơ sở hạ tầng, năng lực quản lý và quản trị rủi ro, năng lực công nghệ thông tin; và chất lượng doanh nghiệp niêm yết chưa đồng đều.

Theo ông Hậu, yêu cầu phát triển năng lực cơ sở hạ tầng, năng lực quản lý và công nghệ thông tin là một thách thức lớn đối với thị trường tài chính Việt Nam, đòi hỏi các tổ chức tài chính và cơ quan quản lý phải nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng giao dịch, quản lý rủi ro, và cải thiện hệ thống công nghệ thông tin để đáp ứng nhu cầu phát triển và tăng trưởng của thị trường trong bối cảnh ngày càng có nhiều công nghệ mới và yêu cầu về tính minh bạch cao hơn…

Thúy  Hiền-Link gốc

Các tin liên quan