Vietnam+ - 03/06/2025 4:28:46 CH
Trong bối cảnh kinh tế còn tiềm ẩn nhiều thách thức, thành phố Hà Nội tiếp tục kiên định mục tiêu phát triển doanh nghiệp gắn liền với các chính sách tín dụng linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh phục hồi và phát triển bền vững.
Nơi làm thủ tục thành lập doanh nghiệp của Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội). Ảnh tư liệu: Danh Lam/TTXVN
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, trong tháng 5/2025, thành phố đã cấp giấy chứng nhận đăng ký cho 2.283 doanh nghiệp thành lập mới, dù giảm 19,5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vốn đăng ký đạt 33,7 nghìn tỷ đồng, tăng mạnh 53,3%. Cùng thời gian, có 700 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 13,6%; trong khi 1.489 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và 399 doanh nghiệp giải thể.
Tính chung 5 tháng đầu năm, thành phố ghi nhận 11.600 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 106,7 nghìn tỷ đồng, giảm 7,2% về số lượng và giảm 9,7% về vốn so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp giải thể tăng 26,6%, cho thấy áp lực lớn vẫn đang đè nặng lên khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Song song với phát triển doanh nghiệp, Hà Nội tiếp tục triển khai đồng bộ các chính sách tín dụng nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Trong tháng 5/2025, Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên lãi suất điều hành, đồng thời chỉ đạo các ngân hàng thương mại điều chỉnh linh hoạt theo hướng giảm lãi suất. Lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên duy trì ở mức thấp, bình quân 3,9%/năm, thấp hơn mức trần 4% theo quy định.
Tính đến ngày 31/5/2025, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 6.272 nghìn tỷ đồng, tăng 3,51% so với cuối năm 2024. Dư nợ tín dụng đạt 4.881 nghìn tỷ đồng, tăng 8,32%; trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn tăng 10,51%, cho thấy tín dụng đang tập trung vào hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh ngắn hạn. Các lĩnh vực ưu tiên như doanh nghiệp nhỏ và vừa, nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao tiếp tục được ưu tiên cấp vốn.
Dù vậy, theo phản ánh của nhiều hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp trên địa bàn vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn. Các yếu tố như chi phí đầu vào tăng cao, áp lực trả nợ, nhu cầu tiêu dùng chưa phục hồi như kỳ vọng, thủ tục tiếp cận tín dụng tuy đã cải thiện nhưng vẫn còn phức tạp… đang làm chậm đà phục hồi của khu vực sản xuất.
Một số đề xuất nhằm thúc đẩy phát triển doanh nghiệp bền vững trong năm 2025 bao gồm: tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục vay vốn; mở rộng các chương trình tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; nâng cao năng lực tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; và tăng cường kết nối cung cầu lao động phù hợp với nhu cầu thị trường.
Trong thời gian tới, Hà Nội xác định việc phát triển doanh nghiệp sẽ gắn chặt với việc nâng cao hiệu quả tín dụng và tháo gỡ khó khăn thực chất cho khu vực sản xuất. Chính quyền thành phố cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch và ổn định để doanh nghiệp phát triển bền vững.
Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN)
Các tin liên quan
09/07/2025 Chuyên gia đánh giá tích cực triển vọng mở rộng hợp tác Việt - Mỹ
09/07/2025 Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 9,2% trong 6 tháng đầu năm 2025
08/07/2025 Chuyên gia chỉ ra động lực tăng trưởng quan trọng nhất cho 6 tháng cuối năm
08/07/2025 Ngân hàng UOB nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam lên 6,9%
08/07/2025 Giải 'bài toán' tăng trưởng sau sáp nhập
08/07/2025 Tranh thủ cơ hội thay đổi cục diện cạnh tranh cho hàng Việt xuất khẩu
07/07/2025 Nửa đầu năm Việt Nam đón gần 11 triệu lượt khách quốc tế
07/07/2025 BCM: 'Gã khổng lồ' nắm 4.700ha đất, vốn hóa 68.000 tỷ: Có gì khiến Chủ tịch Tp.HCM muốn 'nhân bản'?
05/07/2025 Chuyên gia nói gì về ô tô nhập Mỹ miễn thuế?
05/07/2025 Ninh Bình thành lập hai cụm công nghiệp với tổng vốn đầu tư hơn 1.650 tỷ đồng