VietNam Finance - 19/06/2025 2:30:51 CH
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, cơ chế thuế khoán đã bộc lộ nhiều bất cập, gây bất bình đẳng và không tạo được động lực cho hộ kinh doanh lớn lên thành doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, bỏ thuế khoán là bước đi căn cơ, cần thiết để minh bạch hóa, tạo sự bình đẳng, thúc đẩy chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp và mở rộng khu vực kinh tế chính thức.
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng sáng 19/6, chính sách thuế trở thành chủ đề "nóng", nhận được nhiều chất vấn thẳng thắn từ các đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đặt vấn đề: Nghị quyết 68 đã đề ra một trong những giải pháp là bỏ thuế khoán. Nghị quyết 198 đã quyết định bỏ thuế khoán đối với hộ kinh doanh từ 2026. Song, chính sách này đang tác động đến hàng triệu hộ kinh doanh, khiến họ có tâm lý e ngại.
“Các hộ kinh doanh không ngại nộp thuế nhưng rất lúng túng về cách tính thuế, thủ tục nộp thuế. Do đó, phải làm sao để có kế hoạch và giải pháp để thực thi thu thuế mới sau khi bỏ thuế khoán để các hộ kinh doanh cảm thấy thuận lợi, hứng khởi trong việc nộp thuế”, đại biểu kiến nghị.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thừa nhận: “Hệ thống thuế của chúng ta hiện đã tiếp cận với các thông lệ quốc tế nhưng một số vấn đề liên quan đến tính minh bạch vẫn đang là rào cản lớn”.
Bộ trưởng cho biết cơ chế thuế khoán đã bộc lộ nhiều bất cập, gây bất bình đẳng và không tạo được động lực cho hộ kinh doanh lớn lên thành doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, Nghị quyết 68 và Nghị quyết 198 đã có yêu cầu bỏ thuế khoán. “Đây là bước đi căn cơ, cần thiết để minh bạch hóa, từ đó, tạo sự bình đẳng, thúc đẩy chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp và mở rộng khu vực kinh tế chính thức”, Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng thừa nhận việc triển khai chính sách thuế mới khó tránh khỏi những vướng mắc ban đầu và sẽ tác động đến hàng triệu hộ kinh doanh. Trước thực tế này, Bộ đang nỗ lực rà soát, điều chỉnh và đồng hành cùng các hộ kinh doanh.
“Hiện Bộ đang đồng bộ về pháp lý, công nghệ để đảm bảo thuận lợi, giảm chi phí cho các hộ. Cụ thể, Bộ Tài chính đang đề xuất sửa Luật quản lý thuế, luật thu nhập cá nhân, hướng đến mô hình quản lý thuế mới, đơn giản hoá hoá đơn chứng từ để hộ kinh doanh không áp lực khi chuyển đổi sang doanh nghiệp; tăng cường chuyển đổi số trong quản lý thuế, áp dụng hoá đơn điện tử để thu đúng, thu đủ, giảm thời gian, chi phí cho các hộ kinh doanh; cung cấp miễn phí phần mềm hoá đơn điện tử, phần mềm kế toán, đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao”, Bộ trưởng cho biết.
Cũng tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại về công tác quản lý thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử. Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) nêu rõ: “Hiện nay, việc thu thuế đối với các hộ kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử còn nhiều khó khăn và đã xuất hiện không ít tranh chấp liên quan đến thuế, gây ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách và tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các tiểu thương với các trung tâm thương mại”.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong thời gian vừa qua, Bộ Tài chính đã triển khai quyết liệt về quản lý thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử. Đồng thời, Bộ đã kết hợp với các sàn trong và ngoài nước để truyền thông chính sách đến các đối tượng có liên quan.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực thuế, thậm chí bước đầu áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm nâng cao hiệu quả quản lý. Một số kết quả nổi bật đã đạt được như: chuẩn hóa 95% dữ liệu dân cư, kết nối và chia sẻ thông tin với hệ thống ngân hàng và các website thương mại điện tử; có 158 nhà cung cấp nước ngoài đã thực hiện kê khai và nộp thuế, mang lại 23.000 tỷ đồng cho ngân sách. Ngoài ra, 106.000 hộ kinh doanh đã kê khai, nộp 1.200 tỷ đồng tiền thuế. Riêng thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử trong 5 tháng đầu năm tăng trưởng mạnh 55%, đạt trên 75.000 tỷ đồng.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện quy định để xác định rõ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, định danh tổ chức cá nhân có kinh doanh thương mại điện tử, nâng cấp cổng điện tử kê khai thuế, rà soát các cá nhân có phát sinh thu nhập từ thương mại điện tử,...
Các tin liên quan
09/07/2025 Nghị quyết 57: Cú hích hạ tầng công nghệ Đà Nẵng
09/07/2025 Chuyên gia đánh giá tích cực triển vọng mở rộng hợp tác Việt - Mỹ
09/07/2025 Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 9,2% trong 6 tháng đầu năm 2025
08/07/2025 Chuyên gia chỉ ra động lực tăng trưởng quan trọng nhất cho 6 tháng cuối năm
08/07/2025 Ngân hàng UOB nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam lên 6,9%
08/07/2025 Giải 'bài toán' tăng trưởng sau sáp nhập
08/07/2025 Tranh thủ cơ hội thay đổi cục diện cạnh tranh cho hàng Việt xuất khẩu
07/07/2025 Nửa đầu năm Việt Nam đón gần 11 triệu lượt khách quốc tế
07/07/2025 BCM: 'Gã khổng lồ' nắm 4.700ha đất, vốn hóa 68.000 tỷ: Có gì khiến Chủ tịch Tp.HCM muốn 'nhân bản'?
05/07/2025 Chuyên gia nói gì về ô tô nhập Mỹ miễn thuế?