Ngành Dầu khí của các nước vùng Vịnh được miễn trừ thuế đối ứng của Mỹ

Vietnam+ - 04/04/2025 9:54:17 SA


 Dầu mỏ và khí đốt của các nhà xuất khẩu ở vùng Vịnh sẽ được miễn trừ các mức thuế mới của Washington nhằm tránh làm gián đoạn thị trường năng lượng của Mỹ và đẩy giá nhiên liệu lên cao.

Nhà máy lọc dầu của Tập đoàn dầu khí Saudi Aramco ở Dammam, Saudi Arabia. Ảnh: THX/TTXVN

Truyền thông Trung Đông ngày 3/4 dẫn tuyên bố của Chính phủ Mỹ xác nhận rằng dầu mỏ và khí đốt của các nhà xuất khẩu ở vùng Vịnh sẽ được miễn trừ các mức thuế mới của Washington nhằm tránh làm gián đoạn thị trường năng lượng của Mỹ và đẩy giá nhiên liệu lên cao.
Mặc dù quyết định thuế quan mới nhất của Mỹ được áp dụng đối với năng lượng nhập khẩu từ Canada, Mexico và châu Âu, sự miễn trừ này là nhằm bảo vệ lĩnh vực xuất khẩu quan trọng nhất của các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) vì dầu mỏ và khí đốt chiếm hơn 60% kim ngạch xuất khẩu của Saudi Arabia sang thị trường Mỹ và là trụ cột quan trọng trong quan hệ thương mại giữa vùng Vịnh và Mỹ.
Chuyên gia Hamza Dweik, trưởng bộ phân thương mại của ngân hàng Saxo Bank (Đan Mạch) cho rằng: "Với việc GCC phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động xuất khẩu dầu mỏ, bất kỳ sự suy thoái kinh tế toàn cầu nào do căng thẳng thương mại gây ra đều có khả năng tác động tiêu cực đến giá dầu, gây thêm căng thẳng cho nền kinh tế của các nước vùng Vịnh. Việc miễn trừ giúp giảm thiểu một số tác động, đảm bảo rằng nguồn thu chính của các quốc gia vùng Vịnh vẫn tương đối ổn định bất chấp sự gián đoạn thương mại rộng lớn hơn".
Thuế quan từ lâu đã là nền tảng trong chiến lược kinh tế của Tổng thống Mỹ Donald Trump, bắt nguồn từ chương trình nghị sự "Nước Mỹ trên hết" của ông nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước và giảm thâm hụt thương mại. Ông Trump đã khởi động cách tiếp cận này với các mức thuế nhập khẩu mới, với lập luận rằng các hoạt động thương mại không công bằng đã gây bất lợi cho người lao động Mỹ trong nhiều thập kỷ qua. Các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi mức thuế đối ứng của Mỹ, bao gồm Trung Quốc, Liên minh châu ÂU (EU), Australia và Nhật Bản, đã chỉ trích gay gắt động thái này của ông Trump. Một số quốc gia đã áp thuế trả đũa đối với hàng hóa của Mỹ. Các biện pháp sâu rộng của Mỹ và các đối tác đã làm dấy lo ngại về chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và có nguy cơ dẫn đến cuộc chiến thương mại rộng lớn hơn.
Mặc dù các nước GCC không nằm trong số những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nhưng các nhà phân tích cảnh báo rằng những nhà xuất khẩu trong khu vực vủng Vịnh vẫn có thể phải đối mặt với chi phí gia tăng, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và xích mích thương mại gia tăng, đặc biệt trong các lĩnh vực như nhôm, hóa dầu và hàng hóa công nghiệp.
Theo một báo cáo phân tích công bố hồi tháng 2/2025 của hãng nghiên cứu thị trường S&P Global Market Intelligence, các quốc gia bao gồm Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) - hai quốc gia duy trì tỷ giá hối đoái cố định so với đồng USD - đặc biệt dễ bị tổn thương bởi các điều kiện tiền tệ thắt chặt hơn, vì Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể duy trì lãi suất ở mức tương đối cao để kiềm chế sức ép lạm phát bắt nguồn từ tình trạng gián đoạn thương mại. Đồng USD mạnh hơn có thể làm xói mòn khả năng cạnh tranh xuất khẩu và làm suy yếu cán cân thương mại của các nền kinh tế vùng Vịnh. Báo cáo cảnh báo rằng lãi suất được duy trì ở mức cao của Mỹ cũng có thể làm giảm dòng vốn đầu tư vào các thị trường mới nổi, có khả năng đẩy dòng vốn chảy ra và gây áp lực thanh khoản, đặc biệt ở các quốc gia có mức nợ cao như Ai Cập và Tunisia.
Mặc dù sức khỏe tài chính của Ai Cập đã được cải thiện thông qua các khoản đầu tư từ vùng Vịnh cũng như chương trình hỗ trợ tín dụng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), chu kỳ thắt chặt lãi suất kéo dài của Mỹ có thể làm suy yếu sự phục hồi kinh tế của đất nước Kim tự tháp.
Hơn nữa, nếu giá dầu giảm trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, các nhà xuất khẩu dầu trong GCC có thể buộc phải trì hoãn chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, gây áp lực lên các chương trình đa dạng hóa quy mô lớn của họ.
Hãng vận tải biển khổng lồ Maersk mới đây đã cảnh báo về "tác động gợn sóng toàn cầu" từ chính sách thuế quan mới của Mỹ, cho rằng căng thẳng thương mại leo thang có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng và làm tăng chi phí vận chuyển trên toàn thế giới. Đối với khu vực GCC, nơi hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và phi dầu mỏ phụ thuộc nhiều vào thương mại hàng hải, những gián đoạn như vậy đặt ra một rủi ro đáng chú ý. Trong khi xuất khẩu dầu mỏ của vùng Vịnh sang Mỹ vẫn được miễn trừ, các lĩnh vực như nhôm, hóa dầu và hàng hóa công nghiệp có thể bị ảnh hưởng gián tiếp bởi nhu cầu toàn cầu chậm hơn và chi phí vận chuyển gia tăng. Chuyên gia Dweik lưu ý rằng GCC có thể được hưởng lợi từ sự thay đổi mô hình thương mại toàn cầu, đặc biệt nếu thuế quan của Mỹ vẫn tập trung vào các đối thủ cạnh tranh ở những khu vực khác.
Mặc dù các thuế quan mới nhất của Mỹ chủ yếu nhắm vào Trung Quốc, Mexico và Canada, nhưng các nhà xuất khẩu GCC không thể giữ thái độ thụ động. Với việc Mỹ ràng buộc rõ ràng chính sách thương mại của mình với an ninh quốc gia và xem xét tất cả các thỏa thuận thương mại toàn cầu theo "Kế hoạch công bằng và có đi có lại", các doanh nghiệp có trụ sở tại vùng Vịnh sẽ phải đối mặt với tác động ngày càng lớn.

Nguyễn Trường-Link gốc

Các tin liên quan