VietNam Finance - 23/05/2025 9:49:18 SA
Lạm phát cơ bản của Nhật Bản đã tăng lên 3,5% trong tháng 4, là mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 1/2023 và đánh dấu tháng thứ 37 liên tiếp lạm phát vượt mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. Nguyên nhân đẩy lạm phát lên cao là do giá gạo tăng vọt, trong khi BOJ đang cân nhắc tạm dừng kế hoạch tăng lãi suất để theo dõi tác động của các mức thuế mới từ Mỹ.
Theo dữ liệu được công bố từ Chính quyền Nhật Bản, lạm phát cơ bản của Nhật đã chạm mức 3,5%. Chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi (CPI) của Nhật Bản – loại trừ thực phẩm tươi sống – đã tăng 3,5% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm trước, vượt dự báo 3,4% và cao hơn mức tăng 3,2% của tháng 3.
Trong khi đó, lạm phát toàn phần tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước, không đổi so với tháng trước đó và duy trì trên mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản trong hơn ba năm liên tiếp.
Theo đó, giá gạo tăng mạnh được xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới lạm phát. Theo Hiệp hội Siêu thị Nhật Bản, giá gạo đã tăng kỷ lục tới 98,6% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm trước. Giá của các mặt hàng khác như sô cô la cũng tăng 31%, phản ánh xu hướng giá cả tăng chung trong giai đoạn đầu năm tài chính mới.
Chính sách thuế mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump, công bố từ đầu tháng 4, cũng gây áp lực lên giá cả. Nhật Bản hiện phải chịu thuế 25% đối với ô tô và phụ tùng ô tô nhập khẩu từ Mỹ, cùng mức thuế 24% với các mặt hàng khác. Thông tin này đã khiến chỉ số Nikkei 225 giảm 7,8% trong phiên giao dịch ngày 7/4/2025, mức giảm trong ngày lớn thứ ba trong lịch sử chỉ số này.
Các bao gạo được chụp tại cửa hàng kinh doanh gạo Mikawaya, ở Tokyo, Nhật Bản (Ảnh: REUTERS)
Lạm phát tăng cao đặt BOJ vào thế khó trong việc cân bằng giữa kiểm soát giá cả và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mặc dù đã tăng lãi suất ngắn hạn lên 0,5% từ tháng 1, lạm phát vẫn tiếp tục vượt mục tiêu. Các nhà kinh tế, như ông Marcel Thieliant từ Capital Economics, dự báo BOJ có thể sẽ tiếp tục nâng lãi suất vào tháng 10 nếu xu hướng tăng giá hiện tại kéo dài.
Thống đốc BOJ, ông Kazuo Ueda đã bày tỏ ý định tiếp tục tăng lãi suất nếu xu hướng giá cả tiếp diễn, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải theo dõi chặt chẽ tác động của các mức thuế từ Mỹ.
Trong báo cáo triển vọng kinh tế tháng 4, BOJ dự báo tăng trưởng GDP thực tế của Nhật Bản sẽ giảm xuống 0,7% trong năm tài chính 2026, thấp hơn so với dự báo trước đó là 1,0%.
Một số nhà kinh tế, như Marcel Thieliant từ Capital Economics, dự báo BOJ có thể tiếp tục tăng lãi suất vào tháng 10 nếu xu hướng lạm phát hiện tại tiếp tục.
Trong những tuần gần đây, Nhật Bản đang đối mặt với tình trạng giá gạo tăng vọt. Theo Hiệp hội Siêu thị Nhật Bản, giá trung bình một túi gạo 5 kg tăng thêm 54 yên, lên 4.268 yên (khoảng 29,63 USD) tính đến ngày 11/5/2025.
Ông Masato Koike, nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu Sompo Plus, dự báo lạm phát cơ bản sẽ giảm trong những tháng tới nhờ giá dầu thô giảm và đồng yên tăng giá. Ông cũng lưu ý rằng, theo kinh nghiệm thời kỳ chính quyền Tổng thống Trump, việc dư thừa thực phẩm do thuế quan có thể khiến giá thực phẩm hạ nhiệt. Ngoài ra, việc chính phủ Nhật nối lại trợ cấp hóa đơn điện và gas vào mùa hè cũng sẽ góp phần giảm áp lực lạm phát.
Một tiểu thương đang chế biến món ăn để bán tại một gian hàng trong Chợ Tsukiji ở Tokyo, Nhật Bản(Ảnh: REUTERS)
Sau khi dữ liệu được công bố, đồng yên Nhật tăng nhẹ 0,15%, lên mức 143,80 so với đồng USD.
Lạm phát gia tăng khiến thị trường tài chính toàn cầu cũng bị ảnh hưởng. Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản (JGB) kỳ hạn 40 năm hiện gần 3,7%, tăng 1% kể từ tháng 4, trong khi lợi suất kỳ hạn 35 năm vượt 4,6%, cho thấy nhu cầu đối với trái phiếu dài hạn giảm.
Chiến lược gia Albert Edwards cảnh báo, nếu lợi suất trái phiếu Nhật tiếp tục tăng mạnh, có thể xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Lý do là nhiều nhà đầu tư vay vốn bằng đồng yên với lãi suất thấp để đầu tư ra nước ngoài sẽ phải bán tháo tài sản và rút vốn ồ ạt khi chi phí vay tăng lên, gây ra biến động mạnh trên thị trường tài chính toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư và chính phủ cần theo dõi chặt chẽ diễn biến kinh tế và chính sách tiền tệ của Nhật Bản trong thời gian tới.
Theo CNBC, Reuters, Businessinsider, Kyodonews, FT
Các tin liên quan
23/05/2025 Doanh số bán nhà tại Mỹ thấp nhất kể từ năm 2009
23/05/2025 Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều do lo ngại về nợ công của Mỹ
23/05/2025 Nguy cơ sảy chân của kinh tế Mỹ do tác động của thuế quan
23/05/2025 Lạm phát ở Nhật Bản vọt lên do giá gạo tăng cao
23/05/2025 Mỹ Latinh: 'Chiến trường' mới giữa Mỹ và Trung Quốc
23/05/2025 Kinh tế Anh "lột xác" hậu Brexit
23/05/2025 Tiền tệ châu Á mạnh lên: Tín hiệu sáng cho lĩnh vực bất động sản?
23/05/2025 Thuế quan và rủi ro kinh tế: Góc nhìn từ các quan chức Fed
23/05/2025 Chính sách thuế của Mỹ gây ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp xuất khẩu
23/05/2025 Thị trường tài sản số Hàn Quốc tăng trưởng bùng nổ