Thời báo kinh doanh - 06/05/2025 10:50:46 SA
Bốn tháng đầu năm 2025, kinh tế Việt Nam ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực bất chấp bối cảnh quốc tế tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là tuyên bố áp thuế đối ứng từ Hoa Kỳ. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng ổn định, đầu tư công và vốn FDI tiếp tục được đẩy mạnh, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vượt 276 tỷ USD với mức xuất siêu gần 3,8 tỷ USD.
Sáng nay 6/5, Cục Thống kê, Bộ Tài chính công bố tình hình kinh tế tháng 4 và bốn tháng đầu năm 2025 của Việt Nam với các chỉ số tương đối tích cực, với tăng trưởng đồng đều ở nhiều lĩnh vực công nghiệp, thương mại, tiêu dùng, đầu tư và du lịch.
IIP tăng 8,4%
Sản xuất công nghiệp tháng 4/2025 tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung bốn tháng đầu năm, IIP ước tính tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2024 tăng 6,3%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,1%, đóng góp 8,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,1%, đóng góp 0,5 điểm phần trăm.
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm ngày 1/4 tăng 0,7% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 5,1% so với cùng thời điểm năm trước.
Tốc độ tăng/giảm IIP 4 tháng đầu năm 2025 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương (%). Nguồn: Cục Thống kê
89,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới
Trong tháng 4, cả nước có hơn 15,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 2,5% so với tháng trước và tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, có 7.184 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 63,6% so với tháng trước và giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2024; 8.989 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 83,5% và tăng 93,1%; 1.750 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 18,1% và tăng 37,4%.
Tính chung bốn tháng, cả nước có hơn 89,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có gần 22,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 96,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có hơn 24,1 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
FDI thực hiện tăng 7,3%
Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước được các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh thực hiện, tháng 4 ước đạt 48,7 nghìn tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung bốn tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 165,6 nghìn tỷ đồng, bằng 18,6% kế hoạch năm và tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 30/4 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 13,82 tỷ USD, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đăng ký cấp mới có 1.204 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 5,59 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và giảm 23,8% về số vốn đăng ký.
Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tháng 4 các năm 2021 - 2025 (tỷ USD). Nguồn: Cục Thống kê
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam bốn tháng đầu năm 2025 ước đạt 6,74 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của bốn tháng trong 5 năm qua.
Tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) bốn tháng đầu năm 2025 đạt 309,3 triệu USD, gấp 3,1 lần cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,9%
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 4 ước đạt 582,1 nghìn tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung bốn tháng đầu năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 2.285,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,7%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành 4 tháng đầu năm giai đoạn 2021 - 2025. Nguồn: Cục Thống kê.
Nhu cầu tiêu dùng, du lịch của người dân tăng trong các kỳ nghỉ lễ, Tết cùng với số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao là các nhân tố đóng góp tích cực cho tăng trưởng của ngành thương mại, dịch vụ từ đầu năm đến nay.
Xuất siêu 3,79 tỷ USD
Trong tháng 4, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 74,32 tỷ USD, giảm 1,4% so với tháng trước và tăng 21,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung bốn tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 276,89 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 13%; nhập khẩu tăng 18,6%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 3,79 tỷ USD.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 4 ước đạt 37,45 tỷ USD, giảm 2,8% so với tháng trước và tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung bốn tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 140,34 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 40,74 tỷ USD, tăng 18,1%, chiếm 29% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 99,6 tỷ USD, tăng 11%, chiếm 71%.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 4 đạt 36,87 tỷ USD, tương đương với tháng trước và tăng 22,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung bốn tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 136,55 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 51,26 tỷ USD, tăng 21,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 85,29 tỷ USD, tăng 17,1%.
Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam 4 tháng qua với kim ngạch ước đạt 43,4 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 53,2 tỷ USD.
CPI tăng 3,2%, giá vàng tăng gần 33%
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 0,07% so với tháng trước, tăng 1,37% so với tháng 12/2024 và tăng 3,12% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân bốn tháng đầu năm 2025, CPI tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước.
Lạm phát cơ bản tháng 4 tăng 0,21% so với tháng trước và tăng 3,14% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân bốn tháng, lạm phát cơ bản tăng 3,05% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, giá dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Chỉ số giá vàng tháng 4 tăng 10,54% so với tháng trước; tăng 37,14% so với cùng kỳ năm trước; tăng 22,43% so với tháng 12/2024; bình quân bốn tháng đầu năm 2025 tăng 32,85%.
Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 4 tăng 0,97% so với tháng trước; tăng 3,17% so với cùng kỳ năm trước; tăng 1,9% so với tháng 12/2024; bình quân bốn tháng đầu năm 2025 tăng 3,52%.
Khách quốc tế đạt 1,65 triệu lượt người
Chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh cùng với tổ chức các ngày lễ lớn của dân tộc đã thu hút khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng cao. Trong tháng 4, số lượng khách quốc tế đến nước ta đạt 1,65 triệu lượt người, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung bốn tháng, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 7,67 triệu lượt người, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước.
Các tin liên quan
06/05/2025 Tháng 4, CPI tăng 0,07% do giá thuê nhà, thực phẩm tăng
06/05/2025 Nguồn cung trong nước khan hiếm, tạo lực đỡ cho giá tiêu
05/05/2025 Giá xăng, dầu đồng loạt giảm sau kỳ nghỉ lễ
05/05/2025 Các quý còn lại của năm 2025 phải tăng trưởng bình quân 8,4%
05/05/2025 Giá cà phê giữ ổn định ở mức 130.000 đồng/kg
05/05/2025 Áp lực thuế quan từ Mỹ và cuộc chiến sinh tồn của ngành giày dép: Việt Nam nằm giữa làn đạn
29/04/2025 5 năm liền EVNNPT được Fitch Ratings xếp hạng tín nhiệm BB+
28/04/2025 Việt Nam và Peru thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại
28/04/2025 Nghỉ hưu đúng tuổi có được áp dụng Nghị định 178?